PHÒNG BỆNH SỞI KHI VÀO MÙA

Thứ tư - 14/08/2019 09:28
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút sởi gây nên, phổ biến ở trẻ em; 90% số trẻ tiếp xúc với trẻ mắc sởi sẽ bị lây bệnh chủ yếu qua đường hô hấp, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông – xuân, thời tiết thuận lợị, dịch bệnh bùng phát. Sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch. Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có tốc độ lây nhiễm cao, nhất là trong điều kiện sống khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh do chưa được tiêm chủng vắc-xin sởi; chưa từng mắc bệnh sởi trước đó hoặc ở một số rất ít đối tượng không có phản ứng sau tiêm vắc-xin.
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ tại cơ sở y tế.
Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ tại cơ sở y tế.
      Bộ Y tế cho biết hiện nay bệnh sởi xảy ra rải rác ở một số tỉnh, thành phố. Theo thông tin từ Viện Pasteur Nha Trang, tính từ đầu năm đến ngày 12/8/2019 khu vực miền Trung đã ghi nhận 901 trường hợp mắc bệnh sởi. Trong đó, riêng tỉnh Bình Định đã ghi nhận 13 trường hợp mắc bệnh sởi.
    Theo BsCKII.Phạm Văn Dũng – Trưởng khoa Nhi – BVĐK tỉnh Bình Định cho biết: “Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 – 40 độ C, sốt liên tục. Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy. Có những chấm nhỏ khoảng 1mm nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 – 18 giờ”.
    Sau khi sốt 3 – 4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da. Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3 – 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì.
    Bệnh sởi lây rất nhanh, 90% số trẻ tiếp xúc với trẻ mắc sởi sẽ bị lây bệnh. Virus Sởi có thể theo nước bọt người bệnh bắn ra ngoài truyền trực tiếp cho người khác trong phạm vi bán kính 1,2 m mỗi khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc theo những giọt nhỏ li ti lơ lửng trong không khí, sau đó xâm nhập niêm mạc và đường hô hấp trẻ khác.
Điều đáng sợ nhất của sởi không phải là ban mà là các biến chứng. Có khoảng 30% trẻ em bị sởi xuất hiện một hoặc nhiều biến chứng. Các biến chứng thường gặp là viêm phổi, nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não. Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà trẻ vẫn còn sốt.
Không có phương pháp điều trị kháng vi rút đặc hiệu cho bệnh sởi. Có thể phòng tránh một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh sởi bằng cách chăm sóc tốt, đảm bảo đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, và điều trị mất nước với dung dịch bù nước và điện giải.
     Khi phát hiện có trẻ mắc sởi dạng nhẹ có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Điều quan trọng cần chú ý là thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành. Người chăm sóc trẻ bệnh phải rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bệnh rồi mới được chăm sóc trẻ lành. Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân; Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch; Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày…
    “Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều cần chú ý. Mọi người cần phải giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, giữ gìn nơi ở thông thoáng, sạch sẽ. Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn uống với đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh. Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn. Việc điều trị bằng thuốc cho trẻ tuyệt đối phải tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc trong từng trường hợp cụ thể để tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra. Giữ trẻ ở nhà nghỉ ngơi cho đến khi trẻ khỏe hẳn và trẻ có thể tới trường. Biện pháp dự phòng tốt nhất hiện nay là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành Y tế: Mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi”, BS Dũng lưu ý.
    Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay9,774
  • Tháng hiện tại193,773
  • Tổng lượt truy cập52,812,114
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây