NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

Thứ năm - 15/08/2019 15:11
Cần cho trẻ bú sớm - Cho trẻ da kề da với mẹ ngay sau khi sinh. Việc này sẽ giúp giữ ấm cho trẻ và giúp trẻ dễ thở, giúp trẻ có thể ngậm bắt vú dễ dàng và giúp mẹ con thấy gần gũi với nhau hơn.
Trẻ bú mẹ
Trẻ bú mẹ
- Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh. Bú sớm giúp trẻ tập bú mẹ khi vú mẹ còn mềm và giúp co hồi tử cung mẹ, giúp mẹ giảm mất máu.
          - Cho trẻ bú sữa non. Sữa non là loại sữa có màu vàng và đặc rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Sữa non giúp trẻ phòng ngừa nhiều bệnh và đào thải phân su để trẻ bớt bị vàng da sau sinh.
          - Cho trẻ bú thường xuyên sẽ giúp mẹ nhanh “xuống sữa” và sản xuất nhiều sữa hơn.
          - Không nên cho trẻ uống nước hoặc các dung dịch khác trong những ngày đầu sau sinh. Việc làm này không cần thiết và gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu
          - Sữa mẹ cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống mà trẻ cần trong 6 tháng đầu đời.
          - Không cho trẻ ăn/uống gì khác, kể cả nước trắng trong 6 tháng đầu.
          - Ngay cả khi trời nóng, sữa mẹ cũng đủ để giải khát cho trẻ.
          - Việc cho trẻ ăn/uống ngoài sữa mẹ sẽ làm giảm việc bú mẹ của trẻ và do đó sẽ làm mẹ giảm tiết sữa
          - Nước trắng và các loại dung dịch/ thức ăn khác có thể làm trẻ bị bệnh.
Tuy nhiên, bà mẹ vẫn có thể cho con uống thuốc nếu được cán bộ y tế chỉ định.

Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu cả ngày lẫn đêm để tăng cường khả năng tạo sữa của mẹ
          - Cho trẻ bú theo nhu cầu, cả ngày lẫn đêm. Bà mẹ nên cho còn bú từ 8-12 lần trong 24h, cách 1-3 tiếng. Trẻ càng bú nhiều và được ngậm bắt vú đúng thì mẹ sẽ càng tiết nhiều sữa.
          - Trẻ khóc là dấu hiệu muộn của đói. Bà mẹ cần học để phát hiện những dấu hiệu sớm cho thấy trẻ muốn bú mẹ là:
                   + Ngọ ngoạy không nằm yên
                   + Mở miệng và quay đầu sang hai bên.
         + Đưa lưỡi ra vào.
+ Mút ngón tay hoặc nắm tay.
          - Để trẻ bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia. Nếu cho trẻ bú đổi bên liên tục thì trẻ sẽ không được bú “sữa cuối bữa” là sữa giàu chất dinh dưỡng. “Sữa đầu bữa” chứa nhiều nước và giúp trẻ giải khát. “Sữa cuối bữa” chứa nhiều chất béo giúp trẻ no lâu và tăng cân.
          - Nếu trẻ bị bệnh hoặc buồn ngủ, đánh thức trẻ dậy để cho trẻ ngậm vú mẹ thường xuyên.
          - Không dùng bình và vú giả để cho trẻ ăn vì những dụng cụ này khó làm vệ sinh và gây bệnh cho trẻ. Trẻ bú bằng vú giả sẽ dẫn đến bỏ bú mẹ.
          - Cần nhận biết các trường hợp bà mẹ không đủ sữa để tìm hiểu nguyên nhân giúp bà mẹ có thể tiếp tục NCBSM hoặc xác định các tình huống cần có can thiệp khác để có thể duy trì được sự tăng trưởng của trẻ.

 Tư thế cho con bú đúng
          - Tư thế bú đúng sẽ giúp trẻ ngậm vú tốt và giúp bà mẹ tiết nhiều sữa cho con.
          - Bốn điểm then chốt của tư thế của trẻ gồm: thẳng, đối diện vú mẹ, gần, và được nâng đỡ.
          - Thân người trẻ thẳng, không gập người hoặc vẹo, đầu hơi ngả ra sau.
          - Thân người trẻ đối diện với vú mẹ chứ không đặt trẻ nằm thẳng trên ngực hay bụng mẹ, trẻ phải nhìn được mặt của mẹ.
          - Trẻ phải được bế gần vào người của mẹ.
          - Mẹ phải đỡ toàn bộ cơ thể trẻ, không chỉ đỡ cổ và vai, và đỡ bằng cả bàn tay và cẳng tay.
- Các tư thế bế trẻ khác nhau:
          + Bế ẵm (là tư thế phổ biến nhất)
          + Bế bằng cánh tay đối diện (tốt cho những trẻ quá bé)
          + Tư thế nằm bên cạnh (giúp mẹ được nghỉ khi cho trẻ bú ban đêm)
          + Tư thế bế dưới cánh tay (dùng sau khi mẹ mổ đẻ, khi núm vú của mẹ bị đau hoặc khi mẹ cho trẻ sinh đôi hoặc trẻ quá bé bú)

Cách ngậm bắt vú đúng
          - Ngậm bắt vú tốt giúp trẻ bú mút tốt và giúp mẹ có thể tiết được nhiều sữa hơn.
          - Ngậm bắt vú tốt giúp đề phòng viêm, nứt núm vú.
          - Bú mẹ đúng thì không đau. Nếu mẹ đau khi cho con bú thì cần tìm sự giúp đỡ để cải thiện cách ngậm bắt vú.
          - Có 4 điểm then chốt về ngậm bắt vú:
+ Miệng trẻ mở rộng.
+ Nhìn thấy quầng vú phía trên miệng trẻ nhiều hơn ở phía dưới.
+ Môi dưới của trẻ hướng ra phía ngoài.
+ Cằm trẻ tì sát vào vú mẹ
          - Các dấu hiệu của bú có hiệu quả bao gồm:
+ Trẻ bú chậm và sâu, thỉnh thoảng dừng lại.
+ Mẹ có thể nghe thấy tiếng nuốt của trẻ sau một hoặc hai lần mút.
+ Động tác bú mút của trẻ làm mẹ thoải mái và không đau.
+ Khi trẻ bú no, trẻ tự nhả vú mẹ và thấy trẻ có vẻ hài lòng và thư thái.
+ Vú mềm sau bữa bú

Bú hiệu quả giúp bà mẹ sản xuất nhiều sữa và đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ. Sau khi trẻ nhả vú mẹ bên này ra thì chuyển trẻ sang bên kia. Việc này để đảm bảo trẻ kích thích việc sản xuất sữa của cả hai vú và để trẻ có thể bú được nguồn sữa cuối giàu chất dinh dưỡng và làm no trẻ./.
 

Tác giả bài viết: Thúy Kiều - Trung tâm kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập100
  • Hôm nay13,962
  • Tháng hiện tại518,674
  • Tổng lượt truy cập53,429,617
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây