Công tác phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2019 đòi hỏi cần phải cảnh giác hơn nữa và tăng cường dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Theo nhận định chung của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện HIV; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại qua giám sát trọng điểm khoảng 12%; lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng gia tăng khoảng 9%, ước tính cả nước có khoảng 170.000 MSM; sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp cộng với tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm trọng điểm tăng dẫn đến cảnh báo nguy cơ xuất hiện đợt dịch mới trong nhóm trẻ. Đối với tỉnh ta, vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV, đó là tình hình sử dụng ma túy có chiều hướng gia tăng, phức tạp, nhất là việc sử dụng ma túy tổng hợp phổ biến trong giới trẻ, trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Ngoài ra, số lượng dân di biến động của tỉnh cao, bao gồm lái xe tải đường dài, dân đi làm ăn xa, ngư dân đánh bắt cá xa bờ, nhóm khách du lịch đến Bình Định tiếp tục tăng nhanh từng năm là những nhóm trung gian dễ lây nhiễm HIV cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Chính vì vậy mặc dù HIV/AIDS đang khống chế nhưng nguy cơ bùng phát lây lan HIV rất nhiều khả năng xảy ra, nếu không có các biện pháp phòng, chống tích cực.
Dự phòng lây nhiễm HIV không thể phó mặc cho ngành Y tế mà đòi hỏi cần có sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể. Chính quyền các cấp, các địa phương phải quan tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, đầu tư cho cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV cho nhiều đối tượng trong cộng đồng như thanh niên, phụ nữ, công nhân lao động, các đối tượng có nguy cơ cao, dân di biến động... bằng nhiều hình thức khác nhau, bao gồm trên phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, báo, mạng xã hội, thông qua các hình thức sân khấu hóa như hội thi, văn nghệ truyền thông hay trực tiếp nói chuyện chuyên đề phòng, chống HIV/AIDS, diễn đàn phòng, chống HIV/AIDS, tư vấn cá nhân, tư vấn gia đình, xây dựng các pa nô tuyên truyền và cấp phát tờ rơi...; Tiếp tục duy trì chương trình cung cấp bao cao su tại các cơ sở vui chơi, giải trí, khách sạn nhà trọ để nâng cao nhận thức người dân, xem bao cao su là công cụ hữu hiệu cho việc dự phòng lây nhiễm HIV và tạo tính sẵn có của bao cao su mọi lúc, mọi nơi, không để lây nhiễm HIV vì không có bao cao su.
Đối với ngành Y tế ngoài nhiệm vụ phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV mà còn phải bám sát mục tiêu 90-90-90, đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút; 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp. Điều này đòi hỏi trước tiên phải tăng cường hoạt động giám sát và phát hiện HIV cho nhiều đối tượng nhằm phát hiện sớm, kịp thời người nhiễm để tư vấn, điều trị phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng, tất cả các cơ sở y tế đều tổ chức sàng lọc xét nghiệm HIV cho những bệnh nhân nghi AIDS, tổ chức lấy mẫu máu xét nghiệm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng. Thứ hai là thực hiện hiệu quả và chất lượng công tác điều trị HIV/AIDS, mọi bệnh nhân khi phát hiện nhiễm HIV cần được điều trị bằng thuốc kháng HIV ngay và đảm bảo tuân thủ điều trị giảm thấp nhất tỷ lệ kháng thuốc ARV, kiểm soát được nồng độ vi rút HIV trong máu dưới ngưỡng để phòng tránh lây nhiễm HIV cho người khác qua quan hệ tình dục và thứ ba là tiếp tục tăng cường công tác xét nghiệm phát hiện HIV ở bà mẹ mang thai nhằm phát hiện sớm những trường hợp bà mẹ bị nhiễm HIV để điều trị kịp thời dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đạt được các mục tiêu 90-90-90 là cơ sở để không chế và loại trừ dịch HIV/AIDS vào năm 2020 và kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030./