NHÂN NGÀY TRÁNH THAI THẾ GIỚI 26/9: LỢI ÍCH CỦA TRÁNH THAI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA
Thứ ba - 26/09/2023 22:10
Ngày Tránh thai Thế giới 26/9/2023 với chủ đề “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn”nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai,… cũng như kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Năm 2023, dân số Việt Nam đã đạt ngưỡng 100 triệu người. Theo Tổng cục Thống kê, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) là hơn 25 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 - 2028. Tổng nhu cầu không được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình đối với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung là 10,1%, tỷ suất phá thai hiện nay là 68 ca trên 1.000 ca sinh ra sống. Nhờ thành công của chương trình Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Chính vì thế phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích: Thứ nhất là chủ động trong việc sinh con. Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Thứ hai là tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn thì làm tăng tỷ lệ dị tật thai, đẻ quá nhiều và dày khiến cho phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là thai chết lưu và suy dinh dưỡng,… Thứ ba, phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình: Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Cùng với nỗ lực chung nhằm giảm tình trạng phá thai, mang thai ngoài ý muốn và nâng cao chất lượng dân số, từ ngày 12/9/2023 đến ngày 12/10/2023,Tổng cục DS-KHHGĐ thuộc Bộ Y tế với sự đồng hành của công ty Bayer Việt Nam phát động cuộc thi trên nền tảng mạng xã hội với tên gọi “Chủ động tránh thai - Chủ động tương lai”. Mục đích của cuộc thi này nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai, khuyến khích, kêu gọi các cá nhân, cặp vợ chồng, đặc biệt các bạn trẻ nâng cao ý thức, hành động đúng để tránh có thai ngoài ý muốn. Xuất phát từ thực tế trên, trong thời gian tới, việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Do đó cần tăng cường theo dõi sát diễn biến về mức sinh và sử dụng biện pháp KHHGĐ để có kế hoạch và giải pháp cụ thể với mục tiêu chính là đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và các phương tiện tránh thai.
Tác giả bài viết: LÊ VÂN – TTYT THỊ XÃ HOÀI NHƠN (Nguồn tuyên giao.vn và Tổng cục DS-KHHGĐ