Trong ngày Lễ, Tết bia, rượu là thức uống không thể thiếu trong các bữa liên hoan, tiệc tùng. Bia có thành phần chính là cồn. Ngoài ra rượu, bia cũng có một số chất phụ gia (tạo vị, tạo mùi, tạo màu, chất bảo quản), chính vì thế, tùy vào chất lượng rượu, bia mà các thành phần phụ nhiều hay ít. Rượu, bia thật sự không có lợi cho sức khỏe nếu như bị lạm dụng. Bên cạnh đó, nếu cứ uống liên tục và trong một thời gian dài, gan sẽ phải hoạt động không ngừng nghỉ để chuyển hóa, đào thải dẫn đến quá tải, gây hại đến tế bào gan.
Rượu, bia không chỉ gây rối loạn thần kinh, xơ gan và tai nạn giao thông mà theo Cục Y tế dự phòng, bia, rượu chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương. Bia, rượu ẩn họa những nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến. Theo số liệu thống kê của WHO, số ca tử vong do hậu quả của rượu, bia, các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư chiếm tới 46%, tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh tiêu hóa (xơ gan). Nhiều người cho rằng uống bia sẽ đỡ gây hại hơn uống rượu, nhưng không hẳn là thế, bởi tác hại chính là do chất cồn (ethanol) gây ra thông qua các cơ chế trực tiếp lên cơ thể, không do loại thức uống. Bác sỹ Nguyễn Minh Trí - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Ung thư gan nguyên phát thường phát triển trên nền bệnh gan mạn tính, đặc biệt là viêm gan B và C. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan gồm có: người có virut viêm gan B, C, sử dụng nhiều rượu, bia, tiểu đường, thừa cân, phơi nhiễm với độc tố môi trường....” Đáng chú ý, rượu, bia không chỉ là một trong những nguy cơ gây ra bệnh xơ gan, ung thư gan mà còn dẫn đến tình trạng ngộ độc, loạn thần do bia, rượu…bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó Giám đốc quản lý và điều hành Bệnh viện Tâm thần Bình Định cho biết: “Các rối loạn tâm thần do rượu rất đa dạng, thường gặp ở những người uống rượu nhiều năm. Một nhóm các triệu chứng loạn thần xuất hiện trong khi hoặc sau khi sử dụng rượu đặc trưng là các ảo giác như: Nghe tiếng nói trong đầu, nhìn thấy sự vật hiện tượng không có trong thực tế, hiện tượng nhận nhầm, các hoang tưởng hoặc ý tưởng bị truy hại, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc.” Trong 3 năm từ 2017 đến 2019, Bệnh viện Tâm thần Bình Định đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị các rối loạn tâm thần do rượu nhập viện, cụ thể năm 2017 là 190 lượt; 2018 là 177 lượt và 2019 là 170 lượt. Người nghiện rượu gây ra nhiều vấn đề cho an ninh xã hội, hạnh phúc gia đình và sức khỏe bản thân. Hậu quả của nghiện rượu rất nghiêm trọng, tỷ lệ nhập viện tại bệnh viện tâm thần khoảng 22%; các bệnh viện khác khoảng 8 - 9% Chính vì vậy, để giữ gìn sức khỏe trong ngày Lễ, Tết không uống rượu, bia có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.Duy trì cân nặng hợp lý. Điều trị bệnh tiểu đường tích cực bởi những người mắc tiểu đường (đặc biệt là tiểu đường tuýp 2) có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp khoảng 2 lần so với những người bình thường.Khám sức khỏe, tầm soát ung thư định kỳ 6 tháng/lần. Quan trọng nhất vẫn là giữ cho mình chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn, từ bỏ hoặc hạn chế rượu, bia, thuốc lá, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật