Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tổ chức tuyên truyền Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với các nhóm đối tượng đích, đặc biệt là các hộ gia đình ở những vùng khó khăn, vùng hay xảy ra thiên tai, bão lũ. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan trong việc giáo dục, tuyên truyền, vận động gia đình, cộng đồng và xã hội nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của dinh dưỡng hợp lý đối với sức khỏe; khuyến khích duy trì lối sống năng động, lành mạnh để phòng chống các bệnh mạn tính không lây nhiễm, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống người Việt Nam; tăng cường các hoạt động thể lực phù hợp lứa tuổi.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh/thành phố đẩy mạnh các nội dung truyền thông, phổ biến kiến thức và hướng dẫn thực hành dinh dưỡng hợp lý. Nội dung truyền thông chủ yếu tập trung vào các chủ đề: khuyến khích phát triển VAC trên cơ sở bảo vệ môi trường để tạo ra nguồn thực phẩm an toàn; sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình; tăng cường ăn các loại rau, củ, trái cây và các loại hạt đậu; hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều đường, muối, chất béo; không ăn mặn; nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, đảm bảo đầy đủ và cân đối dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi và đặc tính cá nhân; khuyến khích các hoạt động thể lực và duy trì lối sống năng động, lành mạnh; thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1000 ngày đầu đời của trẻ góp phần phòng chống bệnh không lây nhiễm, thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng thấp còi qua đó nâng cao thể lực, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành…
CÁC THÔNG ĐIỆP TRUYỀN THÔNG
Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển từ ngày 16-23/10/2019
với chủ đề “Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe”.
1.Phát triển VAC trên cơ sở bảo vệ môi trường để tạo ra nguồn thực phẩm an toàn.
2.Sử dụng đa dạng các loại thực phẩm sẵn có ở địa phương cho bữa ăn gia đình.
3.Tăng cường ăn các loại rau, củ và trái cây; các loại hạt (đạu, đỗ, vừng lạc…)
4.Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo. Không ăn mặn.
5.Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường, bảo đảm đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi.
6.Khuyến khích các hoạt động thể lực và duy trì lối sống năng động, lành mạnh.
7.Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời là mang lại tương lai tốt đẹp nhất cho trẻ, giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành.
Hãy thực hiện ăn uống lành mạnh và duy trì lối sống năng động, tích cực
vì sức khỏe của bạn, gia đình và cộng đồng.