Mùa xuân, là thời điểm các bệnh lý đường hô hấp thường xuyên xảy ra và hay gặp nhất là viêm đường hô hấp trên (mũi, xoang, họng, thanh, khí, phế quản); bệnh rất dễ lây lan cho các thành viên trong gia đình, nơi làm việc, nhất là khi người bệnh hắt hơi, nhảy mũi… Ở những người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, bệnh thận mạn… rất dễ bị đợt bùng phát hoặc các biến chứng của bệnh do tâm lý chủ quan, lơ là việc kiểm soát bệnh. Đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như bệnh sởi, cúm, viêm não mô cầu…; những bệnh lây qua đường tiêu hoá như bệnh tay chân miệng, tiêu chảy....
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh công tác phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhận thức của người dân còn hạn chế, tính tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng chưa cao. Chính quyền một số địa phương vẫn còn chưa quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh...
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Xuân, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắcxin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …).
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...
Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Đặc biệt, với những trẻ đang bị các bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường sẽ sốt và ăn uống kém nên thường có nguy cơ thiếu nước, cần cho trẻ ăn các đồ ăn lỏng, dễ tiêu, ăn thành nhiều bữa. Đồng thời, cho trẻ uống nước oresol, nước hoa quả để bổ sung điện giải và các vitamin cần thiết.
Bên cạnh việc tiêm chủng đầy đủ các vắc xin theo độ tuổi, người dân cần có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ, giữ ấm cơ thể và hạn chế tiếp xúc đông người để tăng hiệu quả phòng bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời./.
Tác giả bài viết: Tuyết Nga - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật