Ngành Y tế tăng cường phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A(H5N1)

Thứ hai - 17/02/2020 10:11
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo trong thời gian tới có thể xảy ra đại dịch cúm, ước tính hàng triệu người mắc bệnh và 2-7 triệu người tử vong, do có khả năng xuất hiện một chủng vi rút cúm mới có độc lực cao và lây truyền mạnh từ người sang người, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Các nghiên cứu cho thấy rằng có 3 điều kiện cần thiết để xuất hiện đại dịch. Thứ nhất là chủng vi rút cúm hoang dại có thể truyền sang cho người. Thứ hai là vi rút mới có khả năng nhân lên ở người và gây bệnh. Thứ ba là vi rút mới có khả năng truyền từ người sang người và gây ra các vụ đại dịch lớn.
Ngành Nông nghiệp hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên sát trùng, phun khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm (Nguồn Báo Bình Định)
Ngành Nông nghiệp hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên sát trùng, phun khử trùng chuồng trại để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm (Nguồn Báo Bình Định)
Dịch cúm A(H5N1) trên người ở Việt Nam có những đặc điểm là dịch cúm gia cầm liên quan tới hai hệ thống sông lớn là sông Hồng và sông Mê Kông, là nơi có mật độ chăn nuôi vịt cao hơn các vùng khác. Trong đợt dịch 2 và 3, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ. Đa số các trường hợp nhiễm cúm ở người có liên quan tới cúm gia cầm. Dịch chủ yếu tập trung vào các tháng mùa đông - xuân (khi thời tiết lạnh, ẩm). Tuy nhiên, vẫn có các ca bệnh xảy ra vào các thời gian khác trong năm (phụ thuộc vào tình hình dịch trên đàn gia cầm tại địa phương). Bệnh xảy ra ở tất cả các lứa tuổi từ 4 tháng đến trên 80 tuổi, tuy nhiên dịch tập trung ở các lứa tuổi dưới 40, cao nhất ở nhóm 10-19 tuổi. 
Trước tình hình đó, Sở Y tế Bình Định đã ban hành Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây nhiễm từ động vật sang người trong hoạt động nuôi chim yến.
Theo đó, khi chưa có dịch bệnh trên đàn chim yến cần tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp tỉnh - huyện - xã. Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị thú y địa phương. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn công tác giám sát, xử lý ổ dịch tại các địa phương. Đối với, công tác giám sát, dự phòng, ngành Thú y cần hướng dẫn người nuôi chim yến thực hiện vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tăng cường giám sát, nơi nào có chim yến chết cần triển khai các biện pháp phòng dịch. Đồng thời phối hợp với ngành Y tế tăng cường giám sát, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế sự lây nhiễm vi rút cúm A(H5N1) sang người; chia sẻ thông tin về bệnh, ổ dịch và mẫu bệnh phẩm thu thập được của chim yến hoặc người nghi ngờ mắc bệnh trong quá trình giám sát thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5 của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT.
Hinh bai viet Nganh y te tang cuong phong dich cum gia cam 2
Lực lượng thú y hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm trên địa bàn huyện Tuy Phước (Nguồn Báo Bình Định) 
Đối với người nuôi chim yến cần khai báo với cơ quan thú y địa phương theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 35/2013/TT-BNN&PTNT ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến;  người nuôi chim yến cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi rút cúm A(H5N1) và các vi rút khác cho bản thân và gia đình mình. Khi chăm sóc yến và khách thăm quan cần áp dụng các biện pháp bảo hộ lao động như: đeo khẩu trang, giày, ủng, găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết của chúng. Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên trước khi vào và sau khi ra khỏi cơ sở nuôi chim yến. Đảm bảo ăn chín, uống sôi...; nhà nuôi chim yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 lần/tuần. Không sử dụng chất khử trùng ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến. Trong trường hợp chống dịch, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan thú y;  dụng cụ phục vụ việc khai thác tổ yến phải được làm vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi sử dụng; chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường; thực hiện quy định về giám sát tình trạng sức khỏe và xử lý dịch bệnh; cơ sở nuôi chim yến phải thường xuyên giám sát tình trạng sức khỏe của đàn chim yến. Khi thấy những biểu hiện bất thường từ đàn chim như ốm, chết hoặc rơi tự do tại khu vực nuôi thì cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương; cơ sở nuôi chim yến phải được kiểm tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan thú y có thẩm quyền. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kịp thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Hướng dẫn cộng đồng tự theo dõi tình trạng sức khỏe và chủ động liên hệ với các đơn vị y tế khi cần thiết. Các thông điệp truyền thông phải có sự thống nhất giữa các đơn vị y tế và thú y về nội dung, phương thức truyền thông.
Khi có bệnh, dịch bệnh trên đàn chim yến, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền. Trong thời gian có dịch, tất cả tổ yến được khai thác từ những địa phương đã công bố dịch phải được xử lý theo hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền trước khi tiêu thụ. Cơ quan chuyên ngành thú y của địa phương phối hợp với chính quyền địa phương, người chăn nuôi chim yến xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác giám sát, phát hiện, báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm đàn chim nuôi nghi bị mắc bệnh Cúm gia cầm cũng như các bệnh nguy hiểm khác trên gia cầm. Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng cơ sở nuôi chim yến theo hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương. Tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm trong đàn bị bệnh bằng 2 biện pháp: Đào hố, đốt dưới hố với củi, rơm rạ hoặc dầu, sau đó lấp đất lại hoặc đốt bằng lò đốt chuyên dụng; Đào hố sâu, rộng tuỳ thuộc vào số lượng yến nhiều hay ít, lớp đất trên yêu cầu tối thiểu cách mặt đất 1m, đáy và thành hố được lót bằng ni lông chống thấm, số gia cầm chôn phải đựng trong bao, bên trong có hoá chất khử trùng. Việc chôn, đốt phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Những người thực hiện việc tiêu huỷ gia cầm phải có trang bị bảo hộ phòng lây nhiễm.
Bên cạnh đó, cấm giết mổ, buôn bán và vận chuyển gia cầm và sản phẩm bị bệnh từ nơi này sang nơi khác. Các trại chăn nuôi, các chuồng gia cầm gần ổ dịch phải được quản lý chặt chẽ: Hạn chế đến mức tối đa việc đi lại trong chuồng nuôi; Các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi nên riêng biệt và vệ sinh tiêu độc sau khi sử dụng; Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát khuẩn định kỳ 1 - 3 lần/tuần tuỳ theo mức độ và tính chất nguy cơ của dịch bệnh. Những người vào khu chăn nuôi phải thực hiện biện pháp khử trùng trước và sau khi ra vào chuồng nuôi; Thông tin kịp thời cho dân chúng và hướng dẫn cho mọi người biết cách chủ động phòng chống bệnh cúm A từ loài chim yến.  Người chăm sóc, khai thác yến hoặc những người sống ở khu vực đang có dịch bệnh trên đàn chim yến đã được xét nghiệm xác định cúm A(H5N1) khi có biểu hiện nghi ngờ như: sốt cao, khó thở, thì cần đến khám tại các cơ sở y tế để tránh biến chứng, nguy cơ tử vong đáng tiếc. Cơ quan y tế cần  giám sát vùng có dịch khi các mẫu chim yến dương tính với H5N1 và nếu có bệnh nhân thì nghĩ đến khả năng bệnh nhân bị nhiễm vi rút này, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để kịp thời phát hiện bệnh. Công tác báo cáo, trao đổi thông tin: Cơ quan thú y trao đổi thông tin với cơ quan y tế địa phương về tình hình dịch bệnh và hoạt động xử lý trên đàn chim yến theo quy định.

Khi có bệnh, dịch bệnh ở người, Sở Y tế yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo chống dịch ở các cấp xã, huyện, tỉnh; thành lập và củng cố đội điều tra, xử lý ổ dịch; thành lập đội đáp ứng nhanh các tuyến sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh và sự kiện y tế công cộng trên địa bàn; tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và thú y trong việc giám sát, chia sẻ thông tin và tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế sự lây nhiễm vi rút cúm gia cầm từ chim yến sang người. Tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ về đặc điểm của bệnh dịch cúm gia cầm, những cách nhận biết, khai báo bệnh, các biện pháp phòng chống cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng chim yếu và sản phẩm từ chim yến nghi bị bệnh cúm.
Bên cạnh đó, thực hiện giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm và cách ly tất cả những bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng nghi do vi rút, bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm cúm có nguồn gốc từ chim yến. Lập danh sách và quản lý, theo dõi sức khoẻ tại gia đình những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc chim yến bị bệnh trong vòng 10 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn và 21 ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi. Lấy mẫu, xét nghiệm các chùm trường hợp bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (khi có hai hoặc nhiều người có tiền sử bị sốt hoặc sốt với nhiệt độ đo được ≥ 38oC, ho, khởi phát trong vòng 10 ngày và phải nhập viện), có thời gian khởi phát cách nhau trong vòng 14 ngày và có mối liên quan dịch tễ như học cùng một lớp, cùng làm việc, cùng gia đình, cùng bệnh viện, cùng doanh trại quân đội ... Lấy mẫu, xét nghiệm các nhân viên y tế, thú y có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng sau khi chăm sóc cho người bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A hoặc có tiếp xúc với chim yến, môi trường, sản phẩm chim yến bị nhiễm cúm A. Hướng dẫn sử dụng trang phục phòng hộ và các biện pháp phòng lây nhiễm từ động vật sang người cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như: cán bộ thú y, cán bộ y tế, người chăm sóc chim yến và xử lý dịch bệnh, gia đình có nuôi chim yến.
Ngoài ra, cần xử lý môi trường tại khu vực có người được xác định hoặc nghi ngờ mắc Cúm A có liên quan đến dịch bệnh trên đàn chim yến (gia đình, nơi tạm trú hoặc khu vực ổ dịch) cần tổ chức ngay các biện pháp xử lý như sau:  Phun hoá chất khử trùng trong phạm ổ dịch bằng Cloramin B với nồng độ 2-5%. Thời gian thực hiện càng sớm càng tốt. Tiến hành phun 2-3 lần cách nhau 2-3 ngày. Tuỳ tình hình thực tế xác định bán kính phun khử trùng phù hợp về mặt dịch tễ học. Địa điểm phun là những nơi nghi có vi rút cúm A(H5N1): Các chuồng chăn nuôi gia súc, nơi gia cầm sống và thải phân, chất thải, nhà nuôi chim yến; Tại phòng khám bệnh, nơi điều trị bệnh nhân và nơi quản lý người tiếp xúc... Trước và sau khi phun cần vệ sinh môi trường. Quét dọn, thu gom, tiêu huỷ phân rác, chất độn chuồng. Rửa sạch dụng cụ chăn nuôi, chuồng trại, để khô, sau đó dùng chất sát trùng thích hợp như nước vôi 10-20%, Formol 2-3%, Crezin 5%...tiến hành 3 lần/tuần. Nước rửa chuồng trại, nhà nuôi chim yến phải được tập trung và xử lý.
Sở Y tế cũng yêu cầu các cá nhân, gia đình và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho cộng đồng: vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng để không khí lưu thông dễ dàng, lau sàn nhà hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường. Vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với gia cầm; hạn chế tiếp xúc với gia cầm bệnh và chết; uống nước chín, nước đã tiệt trùng. thường xuyên súc miệng bằng dung dịch nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn khác; không khạc nhổ bừa bãi; khi ho, hắt hơi nên che kín miệng. Người bị cảm cúm nên chủ động đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Nếu có hiện tượng chim yến bị bệnh, chết hàng loạt cần khai báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để hướng dẫn xử lý đúng cách, không để mầm bệnh lây lan ra cộng đồng. Khi có các biểu hiện cúm như ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Đồng thời, Sở Y tế yều cầu các đơn vị thực hiện thông tin, báo cáo theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, Thông tư số 15/2014/TT-BYT ngày 15/05/2014 về việc Hướng dẫn thông tin, báo cáo hoạt động kiểm dịch y tế, Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người và các văn bản khác liên quan. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh ý kiến về Sở Y tế để xem xét, điều chỉnh Hướng dẫn cho phù hợp./.

BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A(H5N1) CHO CỘNG ĐỒNG
1. Các hộ gia đình cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm, chim chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan.
2. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm, chim nghi bị bệnh cúm.
3. Khi có người bị sốt cao có liên quan đến gia cầm, chim bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời.
4. Dùng Chloramin B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.
vvvv

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay15,963
  • Tháng hiện tại520,675
  • Tổng lượt truy cập53,431,618
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây