Phòng bệnh sốt xuất huyết

Thứ năm - 27/02/2020 09:25
Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp trong giai đoạn đầu năm 2020. Vì hiện nay vẫn đang là giai đoạn cuối của đợt dịch năm 2019, nên số ca mắc tuy giảm nhưng vẫn còn cao. Để khống chế được dịch SXH, quan trọng nhất vẫn là ý thức và sự phối hợp của người dân trong công tác phòng chống. Cùng với đó là sự chung tay vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của ngành Y tế, chính quyền địa phương và các ngành chức năng.
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy /loăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết. (Thùy Vy)
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy /loăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết. (Thùy Vy)
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 23/02/2020, toàn tỉnh ghi nhận 719 ca mắc SXH/27 ổ dịch, số mắc đều xảy ra ở 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Loại muỗi vằn này thường ở trong nhà, trong các góc tối tăm và các nơi ẩm thấp, thường hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm. Muỗi truyền bệnh SXH thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước sạch trong nhà và khu vực quanh nhà như: bể, thùng, lu, vại, thạp chứa nước sạch; chai lọ, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng có chứa nước đọng.
Bệnh SXH Dengue thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao.
Chu kỳ của dịch sốt xuất huyết Dengue khoảng 3 - 5 năm một lần. Thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ và vừa lại có một chu kỳ dịch lớn xảy ra. Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay, tại Việt Nam lưu hành nhiều tuýp virus sốt xuất huyết, nên nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể bị mắc lại sốt xuất huyết tuýp khác, lần sau có thể nặng hơn lần trước. 
Ngoài ra, bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các cơ sở y tế khám bệnh, dẫn tới tình trạng bệnh nặng và biến chứng thành xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, có nguy cơ tử vong.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh SXH Dengue thường bắt đầu bằng sốt cao đột ngột, kéo dài liên tục từ 2-7 ngày, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau sau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Có trường hợp diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân vật vã, li bì, lừ đừ, đau bụng do gan to, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị sốc, hoặc xuất huyết nặng, hoặc suy tạng, có thể tử vong.
Do đó, cách xử lý tốt nhất là đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất ngay khi bị bệnh để được bác sĩ chẩn đoán và theo dõi. Bác sĩ là người quyết định nên điều trị tại nhà hay ở bệnh viện tùy theo diễn tiến bệnh của từng bệnh nhân.
Bệnh SXH không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm vi rút không triệu chứng rồi từ đó lại đốt sang người khác và truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh SXH.
Hiện nay bệnh SXH chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất là diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Nếu không có bọ gậy/loăng quăng, không có muỗi truyền bệnh thì không có bệnh SXH. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
Để phòng bệnh SXH, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy /loăng quăng tại hộ gia đình như: đậy kín và thả cá ăn bọ gậy tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt như bể, chum vại, lu, khạp, các vật dụng chứa đựng nước; thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp thường xuyên; vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ...; loại bỏ các hốc chứa nước tự nhiên như hốc cây, kẽ lá, gốc tre, nứa quanh nhà; bỏ muối vào các bát nước kê chân tủ đựng chén bát; Phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài che kín tay chân; ngủ trong mùng kể cả ban ngày; dùng các biện pháp thông thường để xua và diệt muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi trong các hộ gia đình. Người bị SXH hoặc nghi bị mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây bệnh sang người khác. Đặc biệt lưu ý, khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc SXH cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp
thời./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập199
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm188
  • Hôm nay7,512
  • Tháng hiện tại95,925
  • Tổng lượt truy cập52,714,266
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây