Phòng các bệnh thường gặp vào mùa đông

Thứ sáu - 29/11/2019 09:21
Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, không khí khô hanh. Đây là điều kiện thuận lợi để các bệnh như viêm mũi dị ứng, cảm lạnh, viêm da, viêm đa khớp dạng thấp và các bệnh phổi có điều kiện phát triển. Vì vậy, việc hiểu biết về ảnh hưởng của thời tiết với bệnh tật sẽ giúp cho chúng ta chủ động phòng bệnh tốt hơn.
Người dân cần chủ động khám sức khỏe để phòng tránh viêm mũi dị ứng.
Người dân cần chủ động khám sức khỏe để phòng tránh viêm mũi dị ứng.
       Tại Phòng khám Nội thuộc Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, bệnh nhân mắc các bệnh thường gặp vào mùa đông chiếm khoảng 20 - 30% tổng số bệnh nhân vào điều trị nội trú mỗi năm. Tuy nhiên, vì bệnh thường không nặng lắm, hay tái đi tái lại, do đó bệnh nhân điều trị ngoại trú chiếm tỉ lệ cao hơn.  
       Về bệnh viêm mũi dị ứng. Mùa đông thường khiến cho niêm mạc mũi khô, và trở nên nhạy cảm hay dễ bị kích ứng với các tác nhân gây dị ứng như: không khí lạnh, khói bụi, hóa chất. Triệu chứng của bệnh bao gồm: ngứa mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, tai hay vòm họng. Chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi. Đau họng, khàn giọng. Mũi mất khả năng ngửi. Bệnh nhân thường phải thở bằng miệng, nhất là khi ngủ, nên ngáy ngủ. Tuy không nguy hiểm nhưng viêm mũi dị ứng khiến cho người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Nếu để lâu không điều trị, bệnh tiến triển đến viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm xoang… Để phòng tránh viêm mũi dị ứng cần mặc ấm, khi ra đường nên mang khẩu trang, vệ sinh nơi ở sạch sẽ. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
          Bệnh cảm lạnh cũng thường xuất hiện trong mùa này. Thời tiết mùa đông nhưng thường không ổn định, khi thời tiết thay đổi thường gây bệnh cảm lạnh, nhất là nhũng ngày mưa. Người bệnh có triệu chứng: sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh nhiều, không mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy mũi, người đau ê ẩm. Cách phòng bệnh chỉ là vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh. Không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng của bệnh. Nên lưu ý không dùng kháng sinh trong những trường hợp cảm lạnh thông thường, do tác nhân gây bệnh là virus cúm, hợp bào cúm, không phải là vi khuẩn nên thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với những trường hợp này. Nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, và uống nhiều nước là một cách hữu hiệu.
Hinh bai viet Phong cac benh thuong gap vao mua dong 2
Cán bộ y tế khám sức khỏe cho người cao tuổi  tại TTYT huyện Phù Cát để phòng các bệnh mùa đông
        Mùa đông cũng làm cho nhiều người mắc các bệnh về phổi. Thời tiết cuối đông, đầu xuân với những cơn mưa phùn làm cho độ ẩm không khí cao, nhiệt độ không quá lạnh, các vi sinh vật có cơ hội phát triển thuận lợi thì các bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao. Người có tiền sử bị hen suyễn là đối tượng dễ tái phát bệnh. Phế quản của họ trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích gây bệnh như: bụi, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa, lông chó, mèo, lông sợi len...Để phòng tránh bệnh phải loại trừ được các yếu tố dị nguyên gây kích thích đồng thời cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính.
Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ. Tác nhân gây bệnh là: virus cúm, vi khuẩn Gram âm ái khí, các tụ cầu vàng,… Việc phòng viêm phổi trong mùa đông vì thế rất quan trọng. Ngoài giữ ấm, tránh lạnh, tránh gió... nếu thấy có các triệu chứng như: ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở... bệnh nhân cần đến khám bệnh ngay để được điều trị kịp thời.
Hinh Bai 38
Cán bộ y tế hướng dẫn người bệnh tập vật lý trị liệu điều trị các bệnh về cơ xương khớp
        Mùa đông các bệnh ngoài da có điều kiện phát triển mạnh. Bởi vào mùa đông, trời lạnh khiến da giảm tiết mồ hôi và chất bã, không khí hanh khô làm da bị mất nước nhiều hơn. Da tay, chân có biểu hiện bị khô, nứt nẻ, bong vảy. Da bị nứt kèm theo triệu chứng ngứa từ nhẹ đến dữ dội, làm cho da bị trầy xước, chảy máu thậm chí có thể đóng vẩy sinh mủ. Để bảo vệ da khỏi những triệu chứng này, nên uống nhiều nước, tránh tắm nước quá nóng, và nên dùng các loại sữa tắm, kem dưỡng có độ ẩm cao. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, nên đeo găng tay khi giặt quần áo hoặc rửa chén bát.
       Ngoài ra bệnh viêm đa khớp dạng thấp cũng thường thấy trong mùa đông. Ở những người lớn tuổi, vào mùa này hay gặp bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Triệu chứng của bệnh là viêm các khớp bé trong cơ thể như: viêm khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp đốt ngón tay, khớp cổ chân,… nếu bệnh tiển triển kéo dài, có thể gây cứng khớp, khó cử động, dính khớp và mất dần chức năng vận động của khớp.
        Do vậy, vào mùa lạnh, cần phải giữ ấm cơ thể và đặc biệt là chân, tay. Khi ra ngoài trời lạnh nên mang khẩu trang,  găng tay cẩn thận, trong trường hợp bệnh nặng  phải đi khám bệnh ở bác sỹ chuyên khoa./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm61
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay12,404
  • Tháng hiện tại279,931
  • Tổng lượt truy cập53,787,225
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây