Hội thảo tổng kết và xây dựng kế hoạch duy trì hoạt động khám sàng lọc, phát hiện và chuyển tuyến bệnh mắt trẻ em học sinh tại Bình Định
Thứ ba - 19/11/2019 08:48
Để duy trì các hoạt động sàng lọc bệnh mắt trẻ em tại tuyến cơ sở, ngày 15/11/2019 Ban quản lý dự án “Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại Bình Định” phối hợp với Tổ chức Orbis Quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết và xây dựng kế hoạch duy trì hoạt động khám sàng lọc, phát hiện và chuyển tuyến bệnh mắt trẻ em học sinh tại Bình Định. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế, Bệnh viện Mắt, 11 Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và cán bộ phụ trách công tác y tế công cộng; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và cán bộ phụ trách công tác quản lý y tế học đường; đại diện Tổ chức Orbis Quốc tế tại Việt Nam có Tiến sĩ Trần Thị Lan.
Được sự tài trợ của Tổ chức Orbis Quốc tế tại Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, Dự án “Phát triển dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại Bình Định” đã thiết lập mạng lưới chuyển tuyến từ tất cả các trường học, trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Bình Định đến trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và Bệnh viện Mắt Bình Định nhằm tăng cường sự tiếp cận của trẻ em đến các dịch vụ chăm sóc mắt. Trong thời gian qua, Bệnh viện Mắt đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 35 lớp tập huấn hướng dẫn khám sàng lọc phát hiện bệnh mắt trẻ em tại tuyến cơ sở cho gần 1.200 cán bộ y tế trường học và cán bộ y tế xã; tổ chức khám sàng lọc cho hơn 20.000 trẻ em học sinh tại các trường học và địa phương trong tỉnh. Kết quả phát hiện hơn 1.600 trẻ mắc các bệnh về mắt cần chuyển tuyến, trong đó Bệnh viện Mắt Bình Định đã tiến hành khám xác định và phẫu thuật thành công cho hơn 300 trẻ mắc các bệnh về mắt.
Tại Bình Định, mặc dù những năm qua được sự giúp đỡ của Tổ chức Orbis Quốc tế tại Việt Nam dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em được thiết lập, nhưng chất lượng chưa cao và chưa có sự bền vững. Trong khi số lượng trẻ em mắc các bệnh về mắt và tật khúc xạ ngày càng gia tăng. Do đó, sau khi kết thúc dự án vào cuối năm 2019, trong thời gian đến cần phải có sự duy trì và đẩy mạnh các hoạt động khám sàng lọc, phát hiện sớm và chuyển tuyến để ngăn chặn mù lòa và suy giảm thị lực ở trẻ em học sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các địa phương. Đây là vấn đề cần sự phối hợp liên ngành Y tế - Giáo dục và Đào tạo để duy trì hoạt động sàng lọc chuyển tuyến nhằm phát hiện, tư vấn, điều trị sớm cho trẻ em học sinh các bệnh về mắt đạt hiệu quả./
Tác giả bài viết: Thu Hiền - Khoa TT-GDSK- Trung tâm kiểm soát bệnh tật