Tháng 9/2019, bà N.T.D, 49 tuổi, ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát mắc bệnh zona nhập viện điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa trong tình trạng vùng miệng bị lở loét, sau đó là vùng môi bên trái cũng tê cứng, méo một bên. Bác sĩ Võ Tiến Thuận - Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết: “Bà D. là một trong những trường hợp biến chứng đau thần kinh sau zona. Lúc này, việc điều trị chỉ có thể giải quyết triệu chứng đau, kết hợp tập vật lý trị liệu để phục hồi”.
Bác sĩ CKII Đinh Thị Ái Liên, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết thêm: “Bệnh zona là bệnh hay gặp, dễ mắc, nhưng rất hiếm bệnh nhân vào viện trong “khung giờ vàng” - 48 đến 72 giờ từ khi phát bệnh. Đa phần, trường hợp mắc bệnh đều tự điều trị bằng phương pháp dân gian như đắp các loại lá, đậu xanh, vôi; có trường hợp tự ý mua thuốc điều trị hoặc điều trị không đúng thuốc. Không ít bệnh nhân bệnh diễn biến nặng, biến chứng nguy hiểm, nhất là biến chứng đau thần kinh sau zona”.
Được biết, zona là bệnh do vi rút zona varicellae gây nên ở mọi lứa tuổi; lây theo đường hô hấp; khởi phát mạnh vào mùa mưa, mùa lạnh, khu vực có nhiệt độ ẩm thấp. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện mụn nước bóng láng, màu đục thành từng đám, cảm giác ngứa rát ở vùng phát ban kèm theo sốt nhẹ, đau nhức toàn thân, ớn lạnh, đau đầu… Thương tổn trên da của zona rất đặc biệt, chỉ xuất hiện một bên trán, bên ngực, bên vai. Ở người lớn tuổi, bệnh dễ gây biến chứng đau nhiều hơn. Nếu bệnh khu trú tại vùng trán, hốc mắt, mũi… có thể gây thương tổn dây thần kinh số 5, làm giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn; tổn thương dây thần kinh số 7 gây liệt mặt, méo miệng… “Khung thời gian vàng” để điều trị zona là trong vòng 48 - 72 giờ sau khi có tổn thương da. Cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là tiêm vắc xin thủy đậu, thuốc chủng ngừa zona./.
Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật