Bác sĩ Phạm Văn Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan rất nhanh và rộng. Vì vậy, nếu trẻ được phát hiện sớm thì cần được chữa trị kịp thời. Bệnh gia tăng do thời điểm giao mùa tháng 9 - 11 lại trùng vào mùa tựu trường. Hiện vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu phòng bệnh. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ; sau khi đi vệ sinh hay vệ sinh cho trẻ; ăn chín, uống chín; lau sạch các bề mặt bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và nước, tiệt khuẩn bằng dung dịch chloraminB; tránh các tiếp xúc gần với trẻ mắc bệnh...”.
Phòng bệnh tay chân miệng cần thực hiện rửa tay bằng xà phòng với nước sạch cho người chăm sóc trẻ và trẻ em được rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, chỉ đến lại lớp học khi được phép của y tế. Chủ động xử lý dịch tại trường học, nhà trẻ, mẫu giáo có trường hợp mắc bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, các cơ sở y tế trong tỉnh cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống như tuyên truyền, vận động, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, xử lý ổ dịch theo quy định…