Phòng bệnh suy tim

Thứ tư - 02/10/2019 14:38
Suy tim là một trong những bệnh lý về tim mạch khá phổ biến hiện nay với tỷ lệ người mắc bệnh đang ngày càng tăng lên. Suy tim được coi là “kẻ giết người thầm lặng” do đây là hệ quả sau cùng của những bệnh lý tim mạch khác. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này lên tới 45% trong tổng số bệnh nhân mới mắc hằng năm.
Bệnh suy tim có thể phòng ngừa được nếu được chẩn đoán và điều trị sớm
Bệnh suy tim có thể phòng ngừa được nếu được chẩn đoán và điều trị sớm
Suy tim là tình trạng cơ tim mất khả năng bơm đủ máu theo nhu cầu của cơ thể. Đây là bệnh diễn tiến chậm trong nhiều năm mà không biểu hiện triệu chứng. Trong quá trình này, do phải làm việc nhiều hơn để cố gắng cung cấp máu cho các cơ quan nên cơ tim bị giãn ra. Lâu dần, tim sẽ phì đại và cuối cùng bị suy tim với đầy đủ triệu chứng. Việt Nam nằm trong số các nước đang phải đối mặt với căn bệnh tim mạch.
Suy tim là bệnh đe dọa tính mạng, gây tử vong cho gần nửa số bệnh nhân không may mang căn bệnh này. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phòng ngừa được và nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì sẽ tăng cơ hội sống cũng như nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Khả năng chẩn đoán vẫn còn nhiều giới hạn do suy tim thường biểu hiện với những triệu chứng không điển hình như khó thở, mệt và phù, các triệu chứng này cũng thường gặp trong nhiều bệnh khác, đặc biệt là bệnh hô hấp.
Theo BsCKII. Phan Nam Hùng - Phó Trưởng Khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh cho biết:” Có nhiều nguyên nhân gây suy tim, do thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh van tim, tim bẩm sinh, bệnh cơ tim, bệnh màng ngoài tim, tăng huyết áp mạn tính, loạn nhịp tim, hay suy tim do bệnh phổi mạn tính… Ngoài ra, còn một số các nguyên nhân khác như suy tim do thừa dịch, chẳng hạn trong một số trường hợp lượng dịch bị ứ lại trong hệ thống tuần hoàn quá nhiều làm tim quá tải gây suy tim hay do thiếu vitamin B1, người nghiện rượu, người suy dinh dưỡng… cũng có nguy cơ bị suy tim. Tuy nhiên, trong thực tế tại các nơi khám bệnh, khoảng 40% các trường hợp suy tim không thể tìm được một nguyên nhân cụ thể nào”.
Ở người trẻ, suy tim có thể do các dị tật tim bẩm sinh, hoặc hẹp hở van tim, hậu quả của bệnh viêm khớp do liên cầu khuẩn ở tuổi thiếu niên không được điều trị dự phòng thích hợp.  Ở người lớn tuổi thường do các bệnh tim mạch mãn tính như: bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành,  xơ vữa mạch, bệnh huyết khối, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp tim,…
Dấu hiệu hay gặp nhất ở người bị suy tim là khó thở. Lúc đầu chỉ khó thở khi hoạt động gắng sức, về sau khó thở xảy ra thường xuyên hơn kể cả lúc nghỉ ngơi, đặc biệt ở tư thế nằm nên người bệnh thường phải ngồi dậy để thở. Mệt mỏi, phù chi, tiểu đêm cũng là một trong những dấu hiệu quan trọng trong chẩn đoán. Một triệu chứng khó thấy hơn và không được chú ý nhiều trong suy tim là ho không có đờm kéo dài, ho tăng khi nằm ngủ.
Không kể đến hậu quả tử vong do đột tử mà nguyên nhân chính là suy tim, thì hậu quả lâu dài đối với người bệnh chính là sự suy giảm chất lượng cuộc sống. Người bệnh suy tim thường xuyên bị mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau tức ngực do thiếu oxy; ho, phù, khó thở do ứ trệ tuần hoàn. Các triệu chứng này làm mọi hoạt động của người bệnh bị hạn chế và gây tâm lý hoang mang, bi quan về tình hình bệnh tật. Trong suy tim cấp, người bệnh có thể bị tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Suy tim khó chữa khỏi hoàn toàn, các phương pháp điều trị hiện nay nhằm giúp làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Suy tim có thể ổn định nếu điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa một cách tối ưu, một số người có thể trở lại hoạt động bình thường. Bởi thế, chẩn đoán kịp thời bệnh rất quan trọng, chẩn đoán đúng và sớm mới mong có được kết quả điều trị tốt nhất.
“Chìa khóa để ngăn ngừa suy tim là giảm các yếu tố nguy cơ. Có thể kiểm soát hoặc loại bỏ rất nhiều các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch - huyết áp cao và bệnh động mạch vành bằng cách thay đổi lối sống cùng với sự giúp đỡ của các loại thuốc cần thiết. Cách tốt nhất để ngăn ngừa suy tim là kiểm soát các yếu tố nguy cơ và điều kiện gây suy tim như: bệnh động mạch vành, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường hay béo phì; có một chế độ ăn uống cân bằng, bớt mỡ, bớt calo, bớt muối; không hút thuốc lá; tăng cường vận động thể lực; kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng béo phì, thừa cân”, bác sĩ Hùng lưu ý./.
                                  

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập164
  • Máy chủ tìm kiếm99
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay6,687
  • Tháng hiện tại274,214
  • Tổng lượt truy cập53,781,508
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây