Tay - chân - miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra quanh năm và số ca mắc thường tăng cao vào các tháng 9, 10, 11. Hiện nay, ở nước ta bệnh TCM đang có chiều hướng gia tăng cả về số ca mắc cũng như số ca tử vong. Một trong những nguyên nhân chính do xuất hiện chủng virút mới gây ra bệnh này. Bệnh đã trở thành một mối quan tâm lớn của các bậc cha mẹ cũng như đang tạo áp lực lên hệ thống chăm sóc y tế.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định từ đầu năm 2019 đến ngày 10/9/2019 toàn tỉnh có 210 ca mắc bệnh TCM, số ca mắc tăng 10 ca so với cùng kỳ năm 2018 (200 ca), phát hiện 03 ổ dịch và không có ca tử vong. Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh TCM vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng số ca mắc tại các địa phương do tập trung vào thời điểm năm học mới.
Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Bệnh TCM là bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi và cả người lớn cũng có thể mắc bệnh này. Người mắc bệnh sẽ nguy hiểm nếu không biết cách phát hiện, phòng tránh và điều trị kịp thời, có thể nguy hiểm hơn nếu để lại biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim thậm chí gây tử vong. Bệnh TCM do một số virut thuộc nhóm virut đường ruột gây ra, hay gặp nhất là Coxsackievirus A16, Enterovirus 71 hay những Enterovirus khác. Tất cả mọi người đều có nguy cơ nhưng trẻ em dễ mắc bệnh hơn vì chưa có kháng thể và miễn dịch từ những lần tiếp xúc trước đây.
Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Thời gian ủ bệnh khoảng 3- 7 ngày. Trong 1-2 ngày bệnh sẽ phát ban là những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước, ở miệng có dạng vết loét, có đường kính từ 4-8 mm, thường ở phía trong miệng, trên lưỡi, tại vòm miệng hoặc ở lợi răng làm trẻ nuốt đau. Với triệu chứng này cha mẹ thường nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Trong giai đoạn diễn tiến, siêu vi gây bệnh xâm nhập thần kinh trung ương trẻ sẽ có dấu hiệu rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì mê sảng hay co giật, sốt trên 38,5 độ.
Có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm
Nếu là do Coxsackievirus A16 gây ra thì thường bệnh ở dạng nhẹ và tự khỏi không cần điều trị trong khoảng từ 7-10 ngày. Hiếm khi có biến chứng viêm màng não virut. Nhưng nếu là do Enterovirus 71 thì nguy hiểm hơn, bởi bệnh có thể gây viêm màng não, viêm não, liệt... dễ dẫn đến tử vong nếu phát hiện và điều trị muộn. Bệnh lây từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết mũi họng, nước bọt, dịch của bọng nước, phân của người bệnh. Tuần lễ đầu tiên sau khi phát bệnh là lúc dễ lây nhiễm nhất. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, bàn tay của người lớn dễ trở thành nguồn lây bệnh khi chăm sóc trẻ ốm rồi truyền bệnh sang những trẻ khác.
BsCKII. Phạm Văn Dũng – Trưởng khoa Nhi – BVĐK tỉnh Bình Định cho biết: “Bệnh TCM thường xảy ra ở trẻ em lứa tuổi đang ở mẫu giáo. Bệnh sẽ dễ lây lan từ trẻ này sang trẻ kia qua qua những tiếp xúc trực tiếp với nước mũi, miệng, nước bọt, dịch của mụn rộp hoặc phân của trẻ nhiễm bệnh, qua nắm tay, tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của trẻ nhiễm bệnh như bình sữa, núm vú nhựa, đồ chơi, thực phẩm… Chính vì thế môi trường nhà trẻ là một môi trường lây lan bệnh TCM lớn. Vì vậy khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ học để cách ly trẻ bị bệnh ra khỏi trẻ không bị bệnh vì rất dễ lây bệnh cho các trẻ khác.”
Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, cha mẹ nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị kịp thời khi nghi ngờ có biến chứng thần kinh hoặc rối loạn hô hấp - tuần hoàn, sốt cao liên tục không hạ và nôn ói nhiều. Đối với trường hợp không có biến chứng có thể điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.
Cần thực hiện tốt vệ sinh cơ thể và ăn uống để phòng bệnh
Là bệnh do virut gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng để giảm thiểu những biến chứng, gia đình nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Cách xử trí thông thường là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, điều trị triệu chứng như dùng thuốc hạ sốt, giảm đau như acetaminophen hay ibuprofen. Sốt và khó chịu sẽ đỡ sau 3-4 ngày. Phồng rộp trong miệng và họng sẽ hết sau khoảng 7 ngày. Bọng nước trên tay và chân sẽ hết sau khoảng 10 ngày.
Bác sĩ Dũng lưu ý: “Tuy hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu nhưng có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng các biện pháp thực hành vệ sinh. Các biện pháp đó bao gồm rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ; sau khi đi vệ sinh hay vệ sinh cho trẻ; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín lau sạch các bề mặt bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và nước, sau đó tiệt khuẩn bằng dung dịch chloraminB; tránh các tiếp xúc gần với trẻ bệnh như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng cá nhân,… sẽ làm giảm nguy cơ lây bệnh cho người chăm sóc. Khi trẻ bị bệnh TCM nên cho trẻ súc miệng mỗi ngày, tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng tránh làm vỡ các bóng nước hay trầy xước da, thay quần áo sạch hàng ngày; cắt ngắn móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa; nên chăm sóc trẻ bằng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, súc miệng nước muối ấm sau bữa ăn; cho trẻ ăn uống đầy đủ chất, cho trẻ uống nhiều nước như nước sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo…”.
Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh