PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU

Thứ sáu - 06/09/2019 09:00
Bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, lây theo đường hô hấp, gây tổn thương chủ yếu ở vòm hầu, họng, thanh quản, mũi, đôi khi ở da và các vùng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục... Đặc điểm nổi bật của bệnh là có những màng giả xuất hiện ở chỗ nhiễm khuẩn. Ngoại độc tố bạch hầu gây hủy hoại mô tại chỗ, hoặc tác động xa lên cơ tim, thần kinh ngoại biên và thận.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường Hải Cảng
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường Hải Cảng
      Vi khuẩn gây bệnh lây truyền qua việc tiếp xúc với chất tiết từ đường hô hấp, hoặc với những đồ vật dính chất bài tiết từ chỗ tổn thương của người bị nhiễm khuẩn khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn (ít khi kéo dài hơn 4 tuần, hiếm khi vi khuẩn mạn tính kéo dài trên 6 tháng). Nếu người mẹ đã có miễn dịch thì đứa con mới sinh ra của họ có được miễn dịch tương đối do mẹ truyền cho. Đây là miễn dịch thụ động và thường sẽ mất đi trước 6 tháng. Trẻ em chưa có miễn dịch, trẻ dưới một tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh bạch hầu. Miễn dịch sau khi khỏi bệnh không phải lúc nào cũng bền vững (tái phát khoảng 2-5%). Miễn dịch sau khi tiêm giải độc tố cũng giảm dần, do vậy người lớn nếu không tiêm chủng nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.
     Bệnh bạch hầu gồm có các thể sau:
     Bạch hầu họng: Bệnh nhân sốt nhẹ, mệt mỏi và đau họng. Trẻ quấy khóc, da xanh, kém ăn, bỏ bú, buồn nôn, ói mửa, nuốt đau. Điển hình nhất là giả màng màu xám trắng, thường nằm trên bề mặt amiđan, sau đó lan ra xung quanh tới lưỡi gà, vòm họng, hầu, mũi, thanh quản. Giả màng dính chặt vào các mô bên dưới, khi ta cố bóc tách sẽ gây chảy máu; khi bỏ vào nước không tan. Hai bên cổ trẻ phù nề làm cổ bạnh ra, hạch quanh cổ sưng nhẹ và đau, hơi thở có mùi hôi, viêm hạch và sưng cổ. Chỉ cần khám phát hiện được giả màng là phải điều trị bạch hầu ngay.
Bạch hầu thanh quản: Thường thứ phát sau bệnh hầu họng, bệnh nhân sốt nhẹ, khàn tiếng (100%), ho khan, nói giọng khàn, nặng dần tới mức mất tiếng. Khó thở tăng dần, thở rít, lõm ngực, khi giả màng lan xuống khí quản kèm phù nề sẽ gây tắc nghẽn đường thở, trẻ vật vã, đổ mồ hôi, tím tái. Nếu không mở khí quản kịp thời, trẻ sẽ tử vong vì ngạt thở.
     Bạch hầu ác tính: Là thể bệnh trầm trọng nhất, biểu hiện ồ ạt hơn các bệnh khác. Bệnh nhân nhanh chóng bị nhiễm độc nặng với biểu hiện: sốt cao, mạch nhanh, huyết áp tụt, tím tái. Thường các giả màng lan nhanh từ amidan qua vòm hầu lên vùng sau mũi, đến tận hai lỗ mũi. Các hạch quanh cổ sưng to, phù nề, tạo ra vẻ "cổ bạnh" điển hình. Bệnh nhân bị chảy máu miệng, mũi, da. Biến chứng trên xảy ra sớm chỉ sau vài ngày. Hơn một nửa bệnh nhân bị bệnh bạch hầu ác tính tử vong mặc dù được điều trị.
      Ngoài những thể thường gặp vừa nêu, bệnh bạch hầu còn xuất hiện ở các cơ quan khác như mũi, da, lỗ tai, kết mạc, âm đạo; thường biểu hiện nhẹ, ít xảy ra tình trạng nhiễm độc. Bạch hầu là một bệnh nguy hiểm nên bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng. Hai biến chứng nổi bật của bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh; ít gặp hơn là hoại tử ống thận cấp gây suy thận, viêm phổi, viêm nội tâm mạc...
Về nguyên tắc, bệnh bạch hầu được điều trị càng sớm càng tốt, vì nếu phát hiện và điều trị muộn thì nguy cơ tử vong sẽ cao. Điều trị phải toàn diện, trung hòa độc tố bạch hầu phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn, phát hiện ngăn ngừa các biến chứng, chống tái phát, chống bội nhiễm và chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
    Hiện nay, bệnh bạch hầu có thể dự phòng hiệu quả bởi vắc xin “5 trong 1”. Hiện nay, vắc xin “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi theo lịch: trẻ 2 tháng tuổi tiêm mũi 1; trẻ 3 tháng tuổi tiêm mũi 2; 4 tháng tuổi tiêm mũi 3 và 18 tháng tuổi tiêm mũi 4. Do bệnh có khả năng lây nhiễm cao nên những trường hợp mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly với mọi người và các thành viên trong gia đình.
     Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Môi trường nhà ở, trường lớp phải được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo thông thoáng và có đủ ánh sáng.
      Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người dân phải nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Phải được cách ly và điều trị. Trường hợp tại ổ dịch bạch hầu, người dân cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay16,759
  • Tháng hiện tại521,471
  • Tổng lượt truy cập53,432,414
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây