BỔ SUNG ĐA VI CHẤT DINH DƯỠNG CHO PHỤ NỮ CÓ THAI

Thứ tư - 04/09/2019 09:16
Chất khoáng và vitamin giúp thai nhi phát triển và đáp ứng nhu cầu cho người mẹ các vi chất là những chất dinh dưỡng tuy chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng lại có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là giai đoạn cơ thể có nhu cầu cao về các chất dinh dưỡng cho phát triển như thời kỳ mang thai.
BỔ SUNG ĐA VI CHẤT DINH DƯỠNG CHO PHỤ NỮ CÓ THAI
   Can xi có vai trò quan trọng tham gia cấu tạo khung xương cho thai nhi và đảm bảo cho nhu cầu can xi của thai phụ. Khi có thai, nhu cầu can xi tăng lên 1200 mg/ngày cao hơn khi chưa mang thai (800mg/ngày). Phụ nữ có thai thiếu can xi có thể thấy mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, tê chân, đau lưng đau khớp, răng tưởng như lung lay, chuột rút, nặng hơn nữa thì lên cơn co giật do hạ can xi huyết. Đối với thai, thiếu can xi sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ, bị còi xương bẩm sinh, biến dạng các xương gây dị hình, giảm chiều dài sơ sinh….Cung cấp can xi khi mang thai cách tốt nhất là sử dụng can xi từ thực phẩm. sữa là nguồn cung cấp can xi tốt nhất, hàm lượng tương đối nhiều (100-120mg/100ml sữa nước pha chuẩn), tỷ lệ hấp thu cao; Các thức ăn hải sản như tôm, cua, ngao, sò và trứng có hàm lượng can xi cũng khá phong phú. Vì vậy, việc ăng uống đầy đủ với thức ăn đa dạng, không quá kiêng khem, chọn lựa thức ăn có nhiều can xi cho bà mẹ mang thai là điều cần thiết hoặc có thể uống bổ sung can xi để tránh tình trạng thiếu can xi cho cả mẹ và thai nhi.
    Sắt tham gia quá trình tạo máu, có nhiều trong thịt màu đỏ, trứng, trong đậu đỗ các loại, vừng lạc và các rau củ có màu xanh đậm. Sắt do các thức ăn động vật cung cấp dễ hấp thu hơn nguồn sắt từ các thức ăn thực vật. Do nhu cầu sắt của người phụ nữ tăng cao khi mang thai nên khẩu phần hàng ngày không thể đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, phụ nữ có thai cần được uống bổ sung viên sắt (60mg sắt nguyên tố/ngày) hoặc viên đa vi chất theo qui định.
Kẽm tham gia vào phát triển chiều cao của trẻ từ trong bào thai và tăng miễn dịch cho trẻ. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, thủy hải sản, đặc biệt là nhuyễn thể như: ốc, hến, trai, trùng trục hay nghêu sò… Các thức ăn thực vật cũng có kẽm nhưng hàm lượng thấp và hấp thu kém. Thiếu kẽm gây nên vô sinh, sẩy thai, sinh non hoặc sinh già tháng, thai chết lưu gần ngày sinh và sinh không bình thường.
    I ốt:  thiếu iốt ở phụ nữ thời kỳ mang thai có thể gây sẩy thai tự nhiên, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu iod nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn với tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm, mắt lác. Nguồn thức ăn giàu iốt là những thức ăn từ biển như cá biển, sò, rong biển… Ngoài ra, phụ nữ có thai nên sử dụng muối, bột canh có tăng cường iốt.
   Vitamin A ngoài các tác dụng như sáng mắt, tăng sức đề kháng, còn có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng giúp trẻ có chiều cao tối ưu theo tiềm năng di truyền. Thiếu vitamin A sẽ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong, gây khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời. Chế độ ăn của phụ nữ có thai cần đảm bảo đủ nhu cầu vitamin A trong suốt thời kỳ mang thai. Tuyệt đối không uống vitamin A liều cao (200.000IU) trong thai kỳ vì có thể gây dị dạng thai nhi.
   Vitamin D giúp hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng cần thiết như can xi, phospho vào cơ thể, khi mang thai nếu cơ thể thiếu vitamin D sẽ gây các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ hay trẻ đẻ ra bình thường nhưng thóp sẽ lâu liền. Người mẹ có thể phòng còi xương cho con bằng cách uống vitamin D 200.000 IU khi thai được 7 tháng.
    Vitamin B1 là yếu tố cần thiết để chuyển hóa glucid. Ngũ cốc và các loại hạt họ đậu là nguồn cung cấp vitamin B1. Để có đủ vitamin B1 nên ăn gạo không giã trắng quá, không bị mục, mốc. Ăn nhiều đậu đỗ là cách tốt nhất để bổ sung đủ vitamin B1 cho nhu cầu của cơ thể và chống lại bệnh tê phù.
    Vitamin B2 giúp cơ thể tạo năng lượng, thúc đẩy sự phát triển của thai nhi, tốt cho tế bào thị giác, tham gia trong quá trình hình thành da, tạo máu. Vitamin B2 còn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển xương, cơ, tế bào thần kinh của trẻ. Vì vậy cung cấp đủ vitamin B2 là cần thiết cho bà mẹ mang thai và cho con bú.
    Acid folic tham gia tạo máu và hình thành ống thần kinh. Thiếu acid folic ở người mẹ có thể dẫn đến thiếu máu, khiếm tật của ống thần kinh ở thai nhi. Nguồn cung cấp acid folic có nhiều trong các trái cây, rau xanh, trứng nhưng trong khẩu phần thường không đủ, vì vậy người mẹ cần được bổ sung khi mang thai.
    Vitamin C có vai trò lớn trong việc làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn, góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt. Vitamin C có nhiều trong các quả chín. Rau xanh có nhiều vitamin C nhưng bị hao hụt nhiều trong quá trình nấu nướng.

Tác giả bài viết: Thúy Kiều - Trung tâm kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay10,370
  • Tháng hiện tại194,369
  • Tổng lượt truy cập52,812,710
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây