PHÒNG CONG VẸO CỘT SỐNG TUỔI HỌC ĐƯỜNG

Thứ tư - 28/08/2019 15:28
Cong vẹo cột sống ngày càng được xem là một bệnh phổ biến trong độ tuổi học đường. Tuy không nguy hiểm nhưng nó gây rất nhiều phiền phức và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh.
PHÒNG CONG VẸO CỘT SỐNG TUỔI HỌC ĐƯỜNG
       Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh tật ở lứa tuổi học đường hiện nay vẫn còn cao, trong đó bệnh cong vẹo cột sống chiếm gần 30%, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê, vẹo cột sống chiếm khoảng 1- 4% dân số, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và ảnh hưởng nhiều đến trẻ em từ 10-18 tuổi. Cong vẹo cột sống thường gặp ở trẻ em 12-15 tuổi.
     Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động sống của con người. Cột sống là trụ cột của cơ thể, là chỗ dựa vững chắc cho các hệ thống cơ quan phát triển, bảo vệ tuỷ sống, giảm sóc cho bộ não. Nhờ có cột sống mà cơ thể có thể vận động linh hoạt, quay sang trái, sang phải, cúi hoặc ưỡn, nhún nhảy một cách dễ dàng, tạo cho cơ thể có nhiều tư thế khác nhau.
    Theo BsCKI.Phạm Thị Phượng – Trưởng khoa Vật lý trị liệu - BVĐK tỉnh Bình Định: ”Có nhiều nguyên nhân gây ra cong vẹo cột sống. Một số trẻ em sinh ra đã bị cong hoặc vẹo cột sống bẩm sinh. Một số trẻ em bị cong vẹo cột sống do ngồi, đi đứng quá sớm hoặc bị mắc các bệnh về thần kinh, bệnh cơ, bị chấn thương, thể trạng kém vì ít hoạt động thể thao, suy dinh dưỡng (còi xương), cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi. Nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống. Cong vẹo cột sống ở tuổi học sinh có thể phát sinh do ngồi sai tư thế vì bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, chiếu sáng bàn học kém, mang cặp sách quá nặng về một bên vai…”.
       Trong trường hợp bị vẹo cột sống, có thể nhìn thấy những bất thường như: các gai đốt sống không thẳng hàng; hai vai dốc không đều, bên cao bên thấp; xương bả vai nhô ra, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau; hai tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân không đều nhau, bên rộng bên hẹp; mào chậu bên thấp bên cao; hai thăn lưng mất cân đối hoặc có ụ lồi do cột sống bị xoáy vặn, xương sườn lồi lên. Nếu bị gù thì quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ xuống.
     Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra triệu chứng đau lưng, hạn chế vận động của hệ thống cơ xương.  Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng; ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi (giảm dung tích sống của phổi); gây biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ em nữ khi trưởng thành. Chi phí điều trị cho các bệnh nhân bị cong vẹo cột sống rất tốn kém, đặc biệt là những bệnh nhân cần phải phẫu thuật chỉnh hình.
      Do đó để tránh bị cong vẹo cột sống cho trẻ cần phải đảm bảo đúng tư thế ngồi học; khi ngồi, hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành 1 góc là 90o dao động trong khoảng 75-105o, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn. Nếu ngồi học sai tư thế không chỉ gây ra cong vẹo cột sống mà có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khác và nguy cơ mắc tật cận thị cao.
    Bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng. Nơi học tập ở trường phải đảm bảo chiếu sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo. Ở nhà, ngoài hệ thống chiếu sáng chung, gia đình cũng cần trang bị đèn ở góc học tập cho các em học sinh để đảm bảo ánh sáng tốt hơn. Cần thực hiện giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học.
     Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về một phía. Cần đảm bảo thời gian ngủ cần thiết theo từng lứa tuổi. Tuổi càng nhỏ, nhu cầu ngủ càng nhiều, cụ thể học sinh từ 7- 10 tuổi cần ngủ 11 - 10 giờ; từ 11-14 tuổi thời gian ngủ là 10 - 9 giờ; từ 15-17 tuổi thời gian ngủ là 9 - 8 giờ.
     “Để phòng ngừa cong vẹo cột sống trước hết cần phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao cho các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối. Cần phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn cần có đủ protein, chất khoáng và vitamin. Nên khám định kỳ phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có cách xử trí và phòng bệnh kịp thời. Việc khám phát hiện cong vẹo cột sống định kỳ có tác dụng giúp cho nhà trường, gia đình và bản thân học sinh quan tâm hơn tới sức khỏe và phòng chống cong vẹo cột sống học đường hiệu quả nhất”, Bs.Phượng lưu ý./.  

 

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập144
  • Hôm nay13,040
  • Tháng hiện tại517,752
  • Tổng lượt truy cập53,428,695
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây