BỆNH CÒI XƯƠNG Ở TRẺ – NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG

Thứ năm - 05/09/2019 09:34
Bệnh còi xương là bệnh làm cho xương mềm, yếu, dễ bị biến dạng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sự phát triển thể chất của trẻ. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, đây là thời kỳ mà hệ thống xương đang phát triển nhanh.
Tư vấn cho bà mẹ có con nhỏ về phòng bệnh còi xương
Tư vấn cho bà mẹ có con nhỏ về phòng bệnh còi xương
       Nguyên nhân còi xương ở trẻ chủ yếu là do thiếu vitamin D làm cho cơ thể không hấp thu đủ lượng can xi ở ruột và làm giảm can xi trong máu. Vì vậy, cơ thể buộc phải huy động can xi từ xương vào máu, làm cho xương thiếu can xi gây nên còi xương, loãng xương… Trên thực tế trẻ dễ thiếu vitamin D là do thiếu ánh sáng mặt trời như trẻ ở vùng có nhiều sương mù hoặc nhà cửa ẩm thấp, chật chội, thiếu ánh sáng hay trẻ sinh vào mùa đông; ăn uống kiêng khem quá mức; trẻ không được bú mẹ; trẻ đẻ non; trẻ sinh đôi, sinh ba; trẻ quá bụ bẫm do nhu cầu can xi, phốt pho cao hơn bình thường; trẻ mắc bệnh nhiễm trùng hoặc rối loạn tiêu hóa kéo dài.
     Bác sỹ Nguyễn Thị Huệ - Khoa Nhi, Trung tâm Y tế TP. Quy Nhơn cho biết: “ Biểu hiện của chứng còi xương: Trong thời kỳ đầu: Triệu chứng của bệnh chưa rõ rệt, trẻ thường có biểu hiện rối loạn thần kinh như hay quấy khóc, giật mình, ngủ không yên giấc, vã mồ hôi nhiều nhất là lúc ngủ. Tóc rụng phía hai bên tai, sau gáy tạo thành hình vành khăn (hay còn là hiện tượng chiếu liếm).
      Thời kỳ toàn phát: xương sọ mềm, thóp rộng, bờ thóp mềm và chậm kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô). Đầu bẹp cá trê. Một số biểu hiện khác như răng thường mọc chậm, chậm lẫy, chậm bò, chậm đi, trương lực cơ nhão, táo bón. Trẻ ít lanh lợi, sự phát triển về chiều cao cũng như cân nặng kém hơn trẻ khỏe mạnh cùng lứa tuổi.
Thời kỳ di chứng: vùng cổ tay và cổ chân có hiện tượng xương gồ lên (vòng cổ tay, vòng cổ chân). Khi đứng được, đi được thì xương cẳng chân có thể sẽ bị biến dạng hình chữ X, chữ 0 (chân vòng kiềng) và xương khung chậu bị lệch. Lồng ngực cũng sẽ bị biến dạng lép hoặc nhô ra như ức gà. Trong trường hợp còi xương cấp tính: trẻ có thể bị co giật do hạ can xi máu.
     Để phòng bệnh, người mẹ khi mang thai cần làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để tránh bị đẻ non. Trong thời kỳ mang thai và cho con bú người mẹ nên ra ngoài tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ngày vài lần lúc sáng sớm khi mặt trời vừa mọc và lúc chiều tối (khoảng 4-5 giờ chiều). Có thể uống vitamin D khi thai được 7 tháng. Sau khi sinh cả mẹ và con không nên ở phòng tối và kín. Phòng ở phải thoáng mát và đầy đủ ánh sáng.
     Đối với trẻ: cho trẻ tắm nắng hàng ngày, sau khi sinh 2 tuần cho trẻ ra ngoài tắm nắng 10-15 phút/ngày vào buổi sáng (trước 9 giờ). Để chân, tay, lưng, bụng trẻ trực tiếp tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Chế độ ăn uống: cho trẻ bú mẹ đầy đủ, ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin D và can xi như bơ, trứng, dầu gan cá, bơ thực vật, sữa và các loài cá nhiều dầu như cá ngừ, cá trích, cá hồi, cua, tôm. Cần xóa bỏ quan niệm hầm cho trẻ ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương. Cho dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ vì vitamin D là loại tan trong dầu nêú chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thụ được đầy đủ vẫn sẽ bị còi xương.
      Đối với trẻ sinh thiếu tháng, sinh non, thiếu cân rất cần thiết cho trẻ đi khám bệnh định kỳ để được các bác sỹ chuyên khoa nhi tư vấn chế độ ăn cho trẻ. Những trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng kéo dài cần được khám bệnh và điều trị tích cực theo đơn của bác sĩ như bệnh viêm VA, viêm hô hấp trên, viêm phế quản co thắt, viêm tai. Khi nghi ngờ có biểu hiện còi xương cần đưa trẻ đi khám để tư vấn và điều trị kịp thời”.

Tác giả bài viết: Thu Phương - Khoa TT-GDSK- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập153
  • Máy chủ tìm kiếm88
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay6,723
  • Tháng hiện tại274,250
  • Tổng lượt truy cập53,781,544
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây