CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG Ở TUỔI HỌC ĐƯỜNG

Thứ năm - 05/09/2019 09:42
Theo kết quả điều tra về răng miệng gần đây cho thấy trên toàn quốc có trên 90% số người bị sâu răng. Đặc biệt, có khoảng 85% trẻ em từ 6-8 tuổi bị sâu răng, mỗi trẻ trung bình có tới 6 răng sâu. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe nói chung và bệnh răng miệng nói riêng luôn là vấn đề được chú trọng quan tâm trong nhà trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sâu răng, viêm lợi đó là vệ sinh răng miệng chưa tốt và chưa đúng cách.
CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG Ở TUỔI HỌC ĐƯỜNG
    Bệnh răng miệng hay gặp nhất ở tuổi học đường là bệnh sâu răng sữa và viêm lợi. Sâu răng sữa xuất hiện ở trẻ chưa hoặc bắt đầu thay sang răng vĩnh viễn, đây là lứa tuổi bắt đầu vào lớp 1. Tình trạng sâu răng sữa cũng có thể xuất hiện trước khi trẻ đến trường với biểu hiện nhiều răng bị sún. Khi chưa thay răng, răng sữa của trẻ thường chỉ có 20 chiếc. Với đặc điểm của răng sữa là kết cấu không bền vững, mềm và dễ bị tác động của vi khuẩn trong miệng, do vậy răng sữa rất dễ bị sâu. Nếu không được điều trị tốt, răng sữa bị sâu sẽ lây lan nhanh sang các răng lành khác và là điều kiện thuận lợi làm cho các răng vĩnh viễn mọc sau đó tiếp tục mắc phải căn bệnh này. Khi mới bắt đầu sâu, cũng như sâu răng ở người lớn, trên răng sữa của trẻ xuất hiện những đốm màu sậm như cà phê rồi trở nên đen. Các vết đen này ngày một ăn sâu vào trong thân răng làm mòn răng gây đau nhức, khó nhai, thậm chí là sốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương quai hàm và viêm tủy xương hàm ở trẻ.
      Song hành cùng với bệnh sâu răng sữa là tình trạng viêm lợi. Đây là 2 bệnh có quan hệ với nhau. Khi lợi bị viêm sẽ đỏ và sưng tấy, dễ chảy máu, miệng có mùi hôi. Vì lợi bị đau nên nhiều trẻ không chịu đánh răng thường xuyên làm cho tình trạng viêm tiếp tục nặng hơn và tạo điều kiện cho sâu răng phát triển, nếu đã có sâu răng rồi thì càng nặng hơn. Viêm lợi còn là giai đoạn đầu của quá trình viêm quanh răng, khi bệnh đã nặng thì lợi sẽ không còn bám chắc vào răng nữa mà hình thành các túi lợi, các dây chằng của răng và xương bị vi khuẩn xâm nhập, phá hủy. Trong các túi lợi chứa đầy mảng bám cao răng và vi khuẩn. Quá trình này diễn ra lâu và không được điều trị sẽ làm lung lay và rụng răng. Bên cạnh đó thì tình trạng thay răng không được chăm sóc tốt, sâu răng, răng bị “sún” làm cho nhiều trẻ có hàm răng vĩnh viễn mọc lệch lạc, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và còn là điều kiện cho mảng bám, vi khuẩn phát triển ở những chỗ răng mọc chen chúc, răng mọc lệch khiến quá trình đánh răng không làm sạch được sẽ gây ra các bệnh răng miệng sau này.
     Theo BS.Phạm Lê Nguyên – Khoa Răng Hàm Mặt – BVĐK tỉnh cho biết:”Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh răng miệng ở tuổi học đường, trong đó có nguyên nhân các em rất hay ăn quà vặt, đặc biệt là các loại bánh kẹo, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường, tinh bột. Hầu hết khi ăn các loại thức ăn này răng miệng các em đều không được làm sạch ngay, các mảng thức ăn còn sót lại trên răng lên men trở thành mảnh đất màu mỡ cho vi khuẩn răng miệng phát triển. Phần lớn trẻ không có thói quen kiểm tra tình trạng răng của mình, chỉ đến khi đau, sưng, chảy máu trẻ mới báo cho cha mẹ biết, lúc đó thường là răng đã sâu nhiều, lợi đã viêm nặng”.
     Thời gian thay răng, nhiều trẻ có thói quen lung lay răng sữa bất kể khi nào, thậm chí kể cả khi đang chơi.
Tay trẻ không sạch khi đưa vào miệng để lung lay răng đã vô tình đưa vi khuẩn vào miệng, chỗ răng bị lung lay đang bị tổn thương ít nhiều trở thành yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm sưng lợi cũng như các vị trí khác trong khoang miệng.
     Vệ sinh răng miệng sạch sẽ là điều quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh về răng miệng. Việc làm đó phải giải quyết trong từng bữa ăn, rồi sau khi ăn xong, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, đánh răng hàng ngày với kem đánh răng có chứa fluoride và sử dụng bàn chải mềm.
Khi đánh răng mặt ngoài, hướng dẫn trẻ đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm răng, chải theo chiều từ chân răng đến mặt nhai với động tác tới lui nhẹ nhàng. Tránh chải răng theo chiều ngang vì nó sẽ làm mòn chân răng. Khi đánh răng mặt trong nên đặt lòng bàn chải theo chiều thẳng đứng và dùng đầu bàn chải nhẹ nhàng chải từ trên xuống dưới. Làm sạch lưỡi bằng cách dùng bàn chải, hoặc cạo lưỡi bằng que cạo lưỡi. Nên tránh đánh răng quá nhiều, quá nhanh, quá mạnh làm chảy máu lợi và nướu răng.
     Cũng nên dùng loại nước súc miệng hàng ngày như Natri Clorid 0,9%  muối súc miệng lành tính, nước súc miệng có chất phòng ngừa sâu răng, nước súc miệng có hoạt chất bổ sung tái tạo men răng, làm tan các mảng bám thức ăn sẽ giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng. Trong chế độ ăn hàng ngày cần bổ sung vitamin C và B12, hạn chế ăn những thức ăn quá ngọt và nước giải khát có ga như coca, pepsi...
     “Cách phòng các bệnh răng miệng ở tuổi học đường tốt nhất là các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ ăn quà vặt, nhất là đồ ăn sẵn, các thức ăn đường phố không hợp vệ sinh. Khi trẻ thay răng không nên để trẻ tự nhổ hoặc nhổ răng tại nhà cho trẻ, tránh nhiễm khuẩn và chảy máu nặng mà cần đến các phòng khám nha khoa. Cần cho trẻ đi khám răng miệng 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sớm các bệnh răng miệng. Đối với những trẻ có răng mọc lệch lạc, cần đợi cho trẻ mọc đủ răng vĩnh viễn mới xem xét đến việc dùng các dụng cụ nắn chỉnh răng hợp lý”, BS.Nguyên lưu ý./.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay10,857
  • Tháng hiện tại194,856
  • Tổng lượt truy cập52,813,197
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây