Tại lớp tập huấn, các bác sỹ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I giới thiệu một số kiến thức về Đại cương tâm thần học; Bệnh tâm thần phân liệt; Bệnh động kinh; Rối loạn trầm cảm; Thuốc điều trị trầm cảm; Phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến với tình trạng giảm khí sắc, mất hứng thú, giảm năng lực ý chí, cảm giác có tội lỗi hay tự đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống và khả năng tập trung suy nghĩ làm việc kém. Hơn nữa, trầm cảm thường có triệu chứng lo âu và các biểu hiện trầm cảm thường trở nên mạn tính, tái diễn dẫn tới suy giảm đáng kể khả năng tự chăm sóc. Bệnh trầm cảm xảy ra ở mọi đối tượng, độ tuổi nhưng rất ít người nhận diện được bệnh. Theo các bác sỹ, nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh sẽ diễn tiến ngày càng trầm trọng, bệnh nhân có thể có hành vi tự sát. Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm như di truyền, ảnh hưởng các bệnh thực tổn, mất cân bằng tâm lý, nghiện rượu… Những người chịu nhiều áp lực, căng thẳng trong thời gian dài, mất người thân, hôn nhân không hạnh phúc, sau bệnh tật (chấn thương sọ não, tai biến…), nghiện rượu thời gian dài... đều có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và xã hội do gánh nặng chi phí điều trị và giảm khả năng lao động.
Khóa tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế về kỹ năng quản lý, chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho người bị bệnh tâm thần và giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.