Có khoảng 90 các vi chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể, bao gồm các vitamin tan trong nước như: nhóm B, C; các vitamin tan trong chất béo như: A, D, E, K và các chất khoáng sắt, kẽm, i-ốt, đồng, mangan, magiê... Thuật ngữ thiếu vi chất dinh dưỡng hiện nay thường dùng để chỉ thiếu các vi chất dinh dưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng quan trọng, đó là vitamin A, i-ốt, sắt, axit folic, kẽm…
Ngoài vai trò bảo vệ mắt, vitamin A còn giúp trẻ tăng trưởng, tăng sức đề kháng với bệnh tật… Thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Thiếu vitamin A có thể dẫn đến quáng gà, khô mắt thậm chí gây ra mù lòa, chậm phát triển cân nặng, chiều cao, tỉ lệ tử vong ở trẻ em tiền học đường.
Sắt là chất quan trọng tham gia vào quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não, nên khi trẻ bị thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu làm giảm phát triển thể chất, trí tuệ, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng và giảm khả năng hoạt động thể lực. Thiếu sắt ở thời kỳ bào thai có thể gây khuyết tật ống thần kinh bẩm sinh. Thiếu i-ốt ở phụ nữ trong thời gian mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, trẻ sinh ra có thể bị đần độn do tổn thương não vĩnh viễn. Thiếu i-ốt liên tục ở trẻ em và thanh thiếu niên sẽ gây giảm khả năng trí tuệ, giảm chỉ số thông minh, kể cả chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, kém hoạt động…
Kẽm là một vi khoáng có nhiều chức năng sinh học như miễn dịch, chữa lành vết thương, phát triển thể lực, sinh sản, giúp trẻ ăn ngon miệng, kiểm soát bệnh tiểu đường. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai làm giảm cân nặng và chiều cao trẻ sơ sinh. Trẻ em thiếu kẽm dễ mắc bệnh nhiễm trùng, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì…
Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng, cần đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Sử dụng 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Không bắt trẻ ăn kiêng khi bị bệnh. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D. Trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống một liều vitamin A. Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ để phát hiện sớm suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. Sử dụng muối i-ốt và các sản phẩm có bổ sung i-ốt trong bữa ăn hằng ngày./.