Thống kê của các bệnh viện trong tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, số trẻ em mắc bệnh cúm mùa đang có chiều hướng gia tăng. Hầu hết trẻ nhập viện điều trị nội trú tại các bệnh viện đều có triệu chứng sốt cao, thậm chí có trường hợp bị co giật, viêm mũi, đau họng, mệt lả kèm theo các bệnh lý khác. Thông thường, trẻ sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng các bác sĩ cho biết một số trẻ bị cúm phải nhập viện điều trị do mắc một số chủng cúm nặng hoặc mắc cúm trên nền bệnh khác, có nhiều trẻ hay bị viêm đường hô hấp nên khi mắc cúm sẽ bị nặng, điển hình là viêm phổi.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi-rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 02 đến 07 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
BsCKII.Trần Văn Trung – Trưởng khoa Nội Trung cao – BVĐK tỉnh lưu ý: Bệnh cảm cúm hay bị nhầm với cảm lạnh thông thường nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi. Ở trẻ em hoặc người lớn tuổi, khoảng hai ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi-rút cúm, các triệu chứng ban đầu có thể là: sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực, chóng mặt, ăn không ngon, ho, đau họng. Một số người còn bị đau tai hay tiêu chảy. Sau 05 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, các đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm biến chứng bao gồm: Trẻ em dưới 05 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải; người trên 65 tuổi; phụ nữ có thai; người lớn mắc các bệnh mãn tính như bệnh phổi mãn tính, tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường…; suy giảm miễn dịch gồm những người bệnh đang điều trị thuốc chống ung thư, HIV/AIDS.
Để chủ động phòng, chống cúm mùa, bác sĩ Trung cho rằng: “Người dân thực hiện bảo đảm vệ sinh cá nhân; che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm, hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Người dân nên tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm vắc xin phòng cúm là: nhân viên y tế; trẻ từ 06 tháng đến 08 tuổi; người có bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi…”./.