Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, giám sát xử lý dịch bệnh sốt xuất huyết tại các địa phương trong tỉnh.
Thứ ba - 14/02/2023 15:23
Trước tình hình thời tiết thay đổi có lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển tại các địa phương trong tỉnh; để hỗ trợ các địa phương tăng cường phòng, chống dịch hiệu quả, từ ngày 09-15/02/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức đợt giám sát hoạt động xử lý dịch bệnh SXH tại huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh,thị xã Hoài Nhơn, An Nhơn và thành phố Quy Nhơn. Đoàn công tác gồm Lãnh đạo Trung tâm, cán bộ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Khoa Ký sinh trùng- côn trùng của đơn vị.
Theo số liệu thống kê từ đầu năm đến 07/2/2023 toàn tỉnh đã có 380 ca bệnh SXH, trong đó huyện huyện Vĩnh Thạnh: 43 ca, Tây Sơn 55 ca, thị xã Hoài Nhơn: 45 ca; An Nhơn 59 ca, Quy Nhơn 42 ca. Phát hiện 02 ổ dịch, không có ca tử vong. Tại các Trạm Y tế, Đoàn đã nghe báo cáo nhanh về công tác phòng chống SXH của địa phương và đã kiểm tra các quyết định, văn bản chỉ đạo, kế hoạch thực hiện việc phòng chống dịch SXH tại các địa phương, công tác truyền thông phòng chống SXH trên hệ thống loa đài phát thanh, các báo cáo số liệu về các hoạt động về giám sát cas bệnh, ổ dịch mới phát sinh, công tác phun hóa chất, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại địa phương… Sau khi làm việc tại các Trạm Y tế, đoàn đã tiến hành đi kiểm tra thực tế tại nhà các hộ gia đình có người mắc SXH và các ổ dịch mới xuất hiện gần đây nhất để kiểm tra đánh giá tình hình muỗi và lăng quăng. Bên cạnh đó, Đoàn đã tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể đến người dân về các biện pháp phòng tránh bệnh SXH, dọn dẹp vệ sinh môi trường trong nhà gọn gàn sạch sẽ, ngăn nắp; hướng dẫn cụ thể người dân xử lý những vật dụng có chứa nước trong và ngoài nhà tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng phát triển như các lọ hoa, quạt nước, chén kê tủ bếp có nước, lu, thạp, chậu, chai lọ…
Đối với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và các Trạm Y tế, Đoàn giám sát đề nghị cần thực hiện trong thời gian tới như: Tăng cường giám sát chặt chẽ cas bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng để tổng hợp phân tích đánh giá tình hình dịch bệnh. Tổ chức điều tra xác minh ổ dịch và tổ chức xử lý phù hợp, đảm bảo 100% ổ dịch được điều tra và xử lý không để ổ dịch lây lan rộng, kéo dài. Tiếp tục tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch; đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định cụ thể. Tăng cường phối hợp với các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương chủ động tham gia các hoạt động dọn vệ sinh môi trường xung quanh, thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước; đậy kín nắp và thả cá vào bể nước, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt… để tránh muỗi phát triển. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tăng cường truyền thông phòng chống dịch SXH để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, theo dõi chặt chẽ nhóm người bệnh có nguy cơ cao. Chuyển tuyến kịp thời các ca bệnh nặng hạn chế tối đa tử vong do SXH. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo ca bệnh hàng ngày tại địa phương; lấy và gửi mẫu huyết thanh về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kịp thời để phân lập vi rút. Chủ động rà soát, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch./.
vvv
Tác giả bài viết: Nhất Tâm - Khoa TT-GDSK- Trung tâm kiểm soát bệnh tật