Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết ở Mỹ mùa dịch năm 2018-2019 có khoảng 35 triệu người mắc cúm và 34.000 người tử vong. Tại Việt Nam cũng có hàng triệu người mắc cúm mỗi năm.
Bác sỹ Huỳnh Vĩnh Thu - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: ”Tiêm vắc xin phòng cúm không bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ nhiễm virus corona, nhưng việc chích ngừa cúm có hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh cúm. Bệnh do Covid-19 và cúm đều do virus gây ra nên những triệu chứng khởi phát tương tự như nhau. Bệnh nhân thường sẽ có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, khó thở, mệt mỏi, đôi khi là nôn mửa, tiêu chảy. Chính do sự giống nhau này nên rất khó để có thể chẩn đoán bệnh nếu chỉ dựa vào các triệu chứng. Vì vậy, để xác định các ca nhiễm virus của bệnh Covid-19, cần thông báo cho cơ sở y tế tại địa phương để được thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Thực tế cho thấy tác động xấu của Covid-19 nặng nề hơn ở người có sức khỏe kém, có các bệnh nền khác. Do vậy, trong thời điểm này, cần nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh tật, do đó cần tiêm các loại vắc xin phòng bệnh đã có”.
Trong tình hình diễn tiến dịch bệnh đang phức tạp, các vắc xin cần ưu tiên chích ngừa hiện nay là các vắc xin phòng các bệnh do virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp như viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm màng não...
Trẻ em cần đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin phòng các bệnh được khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các vắc xin cần thiết theo độ tuổi. Không nên vì lo lắng quá mức dịch bệnh Covid-19 mà trì hoãn lịch tiêm văc xin. Tuy nhiên, phụ huynh cần thực hiện tốt công tác vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo phòng chống dịch bệnh tốt.