Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV).

Thứ bảy - 08/02/2020 20:56
Sáng ngày 8/02/2020 tại điểm cầu Trung ương - Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV) gây ra, với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu các tỉnh/thành phố và huyện/thị của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) và 23 điểm cầu tại các bệnh viện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV). GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế và PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn đồng chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Tại điểm cầu Bình Định, tham dự Hội nghị có Ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế, cùng Ban Lãnh đạo Sở Y tế và đại diện Lãnh đạo các phòng chức năng có liên quan trực thuộc Sở Y tế; đại diện Lãnh đạo đơn vị y tế Trung ương có liên quan trên địa bàn tỉnh; đại diện Lãnh đạo và cán bộ y tế các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV) tại điểm cầu Trung ương (Thùy Vy)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV) tại điểm cầu Trung ương (Thùy Vy)
     Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trong thời gian qua, ngành Y tế của tất cả các tuyến từ Trung ương đến địa phương đã hết sức cố gắng để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV), chúng ta đã phải huy động toàn thể lực lượng tham gia, hết sức nỗ lực, tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV). Hiện nay chúng ta cần chú trọng đến một số vấn đề quan trọng như: Cần huy động toàn bộ lực lượng, hệ thống chính trị để tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV); Ban Bí thư Trung ương có chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo để thực hiện triển khai các kế hoạch; Thủ tướng Chính phủ đã có công điện, Chỉ thị yêu cầu triển khai các hoạt động về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV). Bên cạnh đó cần triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tập trung vào vấn đề thông tin tuyên truyền; triển khai hoạt động giám sát đồng bộ, tự tin có kỹ thuật, đảm bảo đủ năng lực, đủ sinh phẩm để chẩn đoán bệnh và thiết lập mạng lưới 22 Labo xét nghiệm trên toàn quốc để xét nghiệm về dịch bệnh này. Điều đáng mừng là trong vòng hơn nửa tháng các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam đã nuôi cấy thành công vi rút để nghiên cứu tính độc lực của vi rút này, đánh dấu mở đầu cho việc nghiên cứu chế tạo sinh phẩm chẩn đoán, sản xuất vắc xin, các phương pháp điều trị vi rút của bệnh này để vững tâm hơn trong công tác điều trị bệnh. Áp dụng triệt để tất cả các biện pháp cần thiết để phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng đối với tất cả các trường hợp giao lưu đi lại từ vùng biên giới, từ Trung Quốc phải khai báo ngay cho y tế, cách ly triệt để, cách ly tập trung, ngăn chặn những ca lây nhiềm trong cộng đồng; những trường hợp đi qua vùng có dịch về thì hàng không không cho phép nhập cảnh; các địa phương thực hiện tốt trong việc đã có những phương án, kịch bản xử lý tình huống theo từng cấp độ hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh…Thay mặt Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Long xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các cán bộ y tế từ tuyến Trung ương đến cơ sở, đồng thời cũng đánh giá cao những nỗ lực của hệ thống y tế Việt Nam, đặc biệt là những người thầy thuốc trực tiếp tham gia điều trị cho người bệnh, đề cao tấm lòng của cán bộ ngành y luôn vượt qua tất cả các khó khăn để phục vụ cho nhân dân, cho đất nước.
          Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Bộ Y tế phối hợp với Tổng công ty Viễn thông Viettel ra mắt 02 ứng dụng: 01 Website ứng dụng chuyên biệt về Corona để truy cập lấy thông tin cần thiết và 01 ứng dụng thông tin trên phần mềm di động App Sức khỏe Việt Nam được Bộ Y tế chính thức ra mắt và đi vào hoạt động ngày 8/02/2020 nhằm hỗ trợ phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona, là ứng dụng giúp người dân tự đánh giá nguy cơ dịch bệnh, trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh, cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và các hướng dẫn từ cơ quan y tế để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Ứng dụng này cũng là kênh để người dân tìm kiếm cơ sở y tế gần nhất để đăng ký thông tin nếu có nguy cơ lây nhiễm, hướng dẫn phương pháp cách ly và báo cáo ca bệnh nghi ngờ. Ông Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các cán bộ y tế nên sử dụng phần mềm di động App Sức khỏe Việt Nam để nắm bắt và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh hàng ngày nhanh nhất…”.
      Hiện nay, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Dịch bệnh này được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/ vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc bệnh. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 14h00 ngày 8/2/2020 về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV): trên thế giới34.909 người mắc (gồm Trung Quốc: 34.568, Nhật Bản: 89, Singapore: 33, Thái Lan: 25, Hàn Quốc: 24, Hồng Kông: 26, Úc: 15, Đài Loan: 17, Đức: 14, Malaysia: 15, Mỹ: 12, Việt Nam: 13, Ma Cao: 10, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất: 07, Canada: 07, Pháp: 06, Ấn Độ: 03, Anh: 03, Nga: 02, Philippine: 03, Ý: 03, Nepal: 01, Sri Lanka: 01, Phần Lan: 01, Campuchia: 01, Tây Ban Nha: 01, Thụy Điển: 01, Bỉ: 01); Có 724 người tử vong, trong đó: Lục địa Trung Quốc: 722 người tử vong; Phillippines: 01 người tử vong; Hồng Kông: 01 người tử vong.
        Tại Việt Nam: có 13 người mắc nCoV (gồm 8 nữ, 5 nam), trong đó: 02 cha con người Trung Quốc (01 người đã khỏi bệnh và xuất viện); 06 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (01 người đã khỏi bệnh và xuất viện; 04 trường hợp đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2); 01 công dân Việt Nam là lễ tân khách sạn có tiếp xúc gần với 02 cha con người Trung Quốc (đã khỏi bệnh và xuất viện); 01 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, Trung Quốc, bệnh nhân nhập viện vào ngày 31/01/2020 và được xác định dương tính với nCOV; 01 người Việt Nam tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó; 02 trường hợp: 01 người là mẹ, 01 người là em ruột của bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó; Số điều trị khỏi bệnh: 03 người đã được xuất viện. Số trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút nCOV (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) là 83 trường hợp tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, có 392 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xức gần với người nghi ngờ bị nhiễm vi rút nCOV.
       Ông Ki Dong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị:” Trong khoảng 10 ngày (từ ngày 30/01/2020), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố chính thức về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) là một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp đáng lo ngại của thế giới. Đây là lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới với cộng đồng toàn cầu trong việc chung tay đáp ứng  phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) năm 2019. Đây là lời kêu gọi đến tất cả quốc gia thành viên trên toàn cầu cùng nhau đưa ra những biện pháp đáp ứng một cách quyết liệt nhất để dự phòng cũng như ngăn cản sự lây lan của vi rút Corona. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, cũng như đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Chính phủ Việt Nam cũng như Ngành Y tế Việt Nam trong công tác chuẩn bị đáp ứng với dịch bệnh đã có bề dày lịch sử hơn 20 năm qua và có kinh nghiệm rất quý báu mà cả cộng đồng quốc tế đều biết đến, đó là đáp ứng phòng chống dịch bệnh Sars vào năm 2003. Và họ cũng ghi nhận sự quyết liệt cũng như các hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam. Việt Nam đã kích hoạt đáp ứng khẩn cấp cũng như tăng cường hệ thống giám sát từ những ngày đầu mà khi thông tin về dịch bệnh này được các ghi nhận trên hệ thống y tế thế giới.
       Cũng không quá ngạc nhiên khi Việt Nam ghi nhận những ca bệnh xâm nhập cũng như những ca bệnh lây lan trong cộng đồng đối với những người có tiếp xúc với những ca bệnh xác định vì chúng ta có một lưu lượng giao thương rất lớn giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam phát hiện rất sớm các ca bệnh đồng thời làm công tác cách ly, quản lý ca bệnh rất tốt. Đặc biệt đối với công tác cách ly của Việt Nam có sự nỗi lực hết sức, lớn lao của tuyến Trung ương đến địa phương, sự phối hợp giữa các cơ sở y tế cũng như y tế dự phòng để làm tốt công tác này. Tổ chức Y tế thế giới cũng ghi nhận rất cao khả năng điều trị bệnh của Việt Nam, mặc dù chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu nào đối với vi rút Corona cũng như các loại vi rút khác nhưng với sự điều trị hỗ trợ triệu chứng cũng như kinh nghiệm điều trị, Việt Nam đã đạt hiệu quả cao và thành công trong việc điều trị bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp đến thời điểm hiện tại.
       Ngày 7/2/2020, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận được thông tin Việt Nam đã thành công trong việc nuôi cấy phân lập vi rút từ bệnh nhân của Việt Nam. Đây là tín hiệu tốt và khả quan trong việc nghiên cứu tiếp theo của Việt Nam trong sản xuất vắc xin cũng như các biện pháp  điều trị cho bệnh nhân. Mặc dù cần phải có nhiều thời gian để có thể sản xuất vắc xin hay đưa ra những phương pháp điều trị tốt. Tuy nhiên đây là tín hiệu tốt đáng khích lệ và khả quan cho Việt Nam, đây là bước tiến đột phá thật sự không những của Việt Nam mà cả cộng đồng quốc tế cũng quan tâm.
      Ông Ki Dong Park chia sẻ rằng, ông rất hiểu về sự lo lắng của tất cả mọi người trước dịch bệnh này. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là một loại vi rút mới, chúng ta còn có rất nhiều điều chưa hiểu biết về nó, chính vì vậy điều lo lắng là tất nhiên và tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm vi rút. So với các dịch bệnh khác, tỷ lệ tử vong do dịch bệnh nCOV là 2%, nó không quá nguy hiểm so với Sars hay Mers-COV. Tuy nhiên dịch bệnh này lây lan từ người sang người, chính vì vậy chúng ta cần có sự cảnh giác, chuẩn bị với những ca bệnh để báo cáo, đặc biệt những ca bệnh có triệu chứng nhẹ, dễ dàng gây ra gánh nặng cho hệ thống y tế đặc biệt các cơ sở khám chữa bệnh.
      Mặc dù chúng ta có ý thức cảnh giác cao về dịch bệnh nhưng cũng cần cố gắng nâng cao công tác truyền thông, cũng như không để cho người dân quá lo lắng, sợ hãi về dịch bệnh. Đây là cơ hội tốt cho chúng ta kiểm tra lại công tác truyền thông nguy cơ hiệu quả như thế nào. Trong thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của Bộ Y tế, Ngành Y tế đã đưa ra những thông điệp kịp thời, đúng đắn, chính xác để cho người dân bớt hoang mang, lo lắng, bình tĩnh hơn trong việc cung chung tay phòng chống dịch bệnh, đặc biệt sự nỗ lực trong việc sử dụng các trang thông tin chính thống để đưa thông tin đến mọi người dân một cách chính xác, kịp thời cũng được ghi nhận. Cuộc chiến với dịch bệnh này mới chỉ bắt đầu, chúng ta phải tiếp tục theo dõi diễn biến như thế nào, điều quan trọng là chúng ta làm việc cùng nhau chặt chẽ, đoàn kết và có những thông điệp chính xác, dựa vào bằng chứng khoa học chứ không theo cảm tính, hay lời đồn đại để cùng chung tay đối phó với dịch bệnh này. Và Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục đồng hành với Chính phủ Việt Nam huy động hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực của các quốc gia trên toàn cầu một cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho người dân Việt Nam…”
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV) tại điểm cầu Bình Định (Thùy Vy) 
        Tại Hội nghị trực tuyến, các đơn vị còn được nghe một số tham luận của đại diện Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương về Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV) gây ra trên thế giới và Việt Nam; Kế hoạch đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh; Công tác phân tuyến điều trị đáp ứng dịch bệnh; Công tác chỉ đạo và quản lý điều trị; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV); Hướng dẫn xử trí một số hội chứng suy hô hấp, sốc nhiễm trùng thường gặp ở người lớn, bệnh nhi; Hướng dẫn về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCOV; Hướng dẫn lấy mẫu, đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm; Hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV) gây ra (giám sát, cách ly, xét nghiệm, xử lý ổ dịch và các biện pháp phòng, chống; Chế độ thông tin, báo cáo; Và một số chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị người bệnh nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOV) gây ra của Bệnh viện Chợ Rẫy – Thành phố Hồ Chí Minh.  Theo đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 322/QĐ-BYT, ngày 06/02/2020 hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virut Corona mới (nCoV 2019). Tại Hội nghị BTC đã triển khai nội dung các mới của BYT như Quyết định 343/QĐ-BYT, ngày 07/02/2020 về Hướng dẫn tạm thời giám sát phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona; Quyết định 344/QĐ-BYT,ngày 07/02/2020 về Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona; Quyết định 345/QĐ-BYT, ngày 07/02/2020 hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus Corona mới (nCoV 2019).
      Các chuyên gia y tế tại Hội nghị cũng cho biết: Hiện viêm phổi do virus corona mới chưa có thuốc đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Do đó, điều quan trọng lúc này là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng người bệnh và điều trị biến chứng, trong quá trình điều trị cần tập trung điều trị cả bệnh do virus và các bệnh nền. Trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng. Việc rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, làm thông thoáng nơi ở, tránh tụ tập đông người và dinh dưỡng đầy đủ được khuyến cáo trong phòng chống virus corona. 03 đường lây cơ bản của virus corona là đường tiếp xúc (tiếp xúc với bệnh nhân, với bề mặt có dịch tiết nhiễm virus), qua các giọt bắn và ít hơn là lây qua không khí. Cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang. Các loại khẩu trang vải được giặt sạch, khẩu trang y tế đều có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn…

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay915
  • Tháng hiện tại184,914
  • Tổng lượt truy cập52,803,255
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây