Theo thông tin báo cáo từ Bộ Y tế về công tác y tế trong tháng 4/2024 cả nước xảy ra 08 vụ NĐTP với 267 người mắc, không có trường hợp tử vong. Tính từ đầu năm 2024 cho đến ngày 17/4/2024, cả nước có đến 24 vụ NĐTP làm 835 người mắc và 03 người tử vong. Trong đó, vấn đề hết sức lưu ý là có bệnh nhân bị sốc nặng, phải thở máy. Đối với tỉnh Bình Định, hiện chưa có vụ NĐTP hàng loạt, nhưng với mùa nắng nóng như hiện nay thì nguy cơ NĐTP hoàn toàn có thể xảy ra. Trong khi đó, trong tháng 6 và thời gian tới đây tỉnh ta có nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội với rất đông người dự nên nguy cơ NĐTP càng cao. Do đó, công tác chuẩn bị, phương án ứng phó, đặc biệt là ứng phó khi xảy ra vụ NĐTP hàng loạt người mắc cực kỳ quan trọng.
Ông Lê Văn An, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: UBND tỉnh, Sở Y tế đã triển khai các kế hoạch, chỉ đạo đảm bảo công tác ATTP. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều sự kiện tập trung rất đông người, nhất là Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024 diễn ra cuối tháng 3, chưa ghi nhận vụ NĐTP hàng loạt. Thực tế các vụ NĐTP hàng loạt người mắc xảy ra trên cả nước thời gian qua chủ yếu rơi vào các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định bếp ăn tập thể do ngành y tế quản lý có hơn 200 cơ sở thuộc cấp tỉnh; 343 cơ sở thuộc cấp huyện; và gần 200 cơ sở do cấp xã quản lý. Số lượng bếp ăn tập thể này rất lớn, nguy cơ NĐTP rất cao. Ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh cũng đã triển khai một loạt biện pháp về vấn đề kiểm soát ATTP tại các bếp ăn tập thể trong trường học. Riêng bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trong tháng 5 này Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tiến hành đợt kiểm tra chuyên đề. Các vụ NĐTP vừa qua trong nước cho thấy có sự xuất hiện của 2 loại vi khuẩn Salmonella, E.coli. Theo chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức đợt giám sát mối nguy trọng điểm tập trung đối với các thực phẩm trong chế biến bánh mì (chủ yếu là thịt nguội, pate, dưa chua) để thực hiện cảnh báo sớm. Dự kiến sẽ lấy 200 mẫu trên địa bàn toàn tỉnh, trọng điểm là TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước. Đồng thời, đề nghị thời gian tới các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế về tăng cường các biện pháp ngăn ngừa, xử lý NĐTP trên địa bàn tỉnh; thực hiện công tác báo cáo nhanh các vụ NĐTP về Sở Y tế để chỉ đạo, và báo về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm triển khai công tác phối hợp xử lý.
Bác sĩ Trần Thượng Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh - Cấp cứu (BVĐK tỉnh) báo cáo phương án xử lý trong tiếp nhận, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân của các vụ NĐTP hàng loạt đã được BVĐK tỉnh xây dựng. Trường hợp xác định vụ NĐTP dưới 50 bệnh nhân thì khoa Khám bệnh báo cho lãnh đạo bệnh viện để thực hiện tự xử lý; từ 50 ca mắc cho đến dưới 200 ca, bệnh viện sẽ điều động nhân lực để giải quyết; còn trên 200 ca bệnh viện báo cáo ngay Sở Y tế để chỉ đạo và huy động lực lượng xử lý. Mặt khác, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của vụ NĐTP gây ra cho bệnh nhân, bệnh viện sẽ có điều chuyển linh hoạt phù hợp trong tiếp nhận, thu dung, cấp cứu điều trị. Đặc biệt, điều động nhân lực là vấn đề rất quan trọng để kịp thời cấp cứu, xử lý ngay các bệnh nhân vụ NĐTP. Bệnh viện có phương án cụ thể “báo động đỏ” để huy động nhân lực. Quan trọng nữa là đảm bảo thuốc, dịch truyền, vật tư, phương tiện, thiết bị… Bệnh viện có 03 khoa hồi sức có thể lọc máu liên tục cho bệnh nhân nặng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Cường, Giám đốc TTYT huyện Vĩnh Thạnh, cũng cho hay giả sử khi xảy ra NĐTP ở hàng loạt học sinh xảy ra trên địa bàn huyện, vấn đề đặt ra cho TTYT huyện Vĩnh Thạnh cần chú ý về nhân lực trung tâm, huy động cả lực lượng y tế tuyến xã. Phân loại trường hợp bệnh nhân nhẹ, có thể xử lý ngay tại chỗ trường học như một bệnh viện “dã chiến”; đối với bệnh nhân nặng được đưa về Trung tâm y tế huyện tiếp tục phân loại đồng thời sẽ đề nghị hỗ trợ từ BVĐK tỉnh…
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý các cơ sở y tế phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt nhấn mạnh thông qua kiểm tra, thanh tra ATTP thì vừa tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở vừa phải xử lý kiên quyết, nghiêm túc cơ sở vi phạm. Thời gian tới, các TTYT huyện phối hợp với phòng Y tế tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp huyện thành lập các đoàn đi kiểm tra thường xuyên, ít nhất từ 1 - 2 tuần/lần tại các bếp ăn tập thể trong khu, cụm công nghiệp, đảm bảo tránh chồng chéo. Phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để theo dõi, phát hiện cơ sở kinh doanh, các vụ vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu sản phẩm thực phẩm không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu ô nhiễm để xử lý triệt để. Về công tác lấy mẫu các vụ NĐTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tập huấn, hướng dẫn lại cho các cơ sở y tế. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khẩn trương mua sắm hóa chất để phục vụ công tác giám sát mẫu cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm…
Tại Hội nghị, Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu để ứng phó với sự cố NĐTP hàng loạt xảy ra trên địa bàn tỉnh, từng địa phương, tại trường học, doanh nghiệp, với các bước trong quy trình vận hành từ thông tin báo cáo, xử lý tại chỗ, chuyển viện, công tác hậu cần… được ngành y tế tỉnh đặt ra cụ thể cho các cơ sở y tế để thảo luận và rút kinh nghiệm ngay tại cuộc họp. Ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh: Những vụ NĐTP hàng loạt, việc cực kỳ quan trọng là phối hợp với chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở nơi xảy ra ngộ độc để thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời. Vì vậy, các đơn vị cần lưu ý về một số vấn đề: Trong phương án cấp cứu điều trị bệnh nhân NĐTP hàng loạt, không gian điều trị bệnh nhân rất quan trọng, cần có khu vực rộng lớn để thu dung bệnh nhân khi có việc xảy ra, chuẩn bị giường xếp cho bệnh nhân nếu phát sinh giường bệnh, chuẩn bị các cây treo dịch truyền cho bệnh nhân, nếu không đủ số lượng sẽ giăng dây treo dịch truyền để điều trị cho bệnh nhân, theo dõi bệnh nhân liên tục; có đội ngũ hộ lý phục vụ, dọn vệ sinh khu vực nhà vệ sinh bệnh nhân, khử khuẩn; đội ngũ điều dưỡng phải đủ lực lượng để lấy ven cho bệnh nhân; huy động nguồn thuốc truyền dịch, xe truyền dịch; thủ tục hành chính thanh toán viện phí sẽ thực hiện sau khi tình hình bệnh nhân đã ổn; quan tâm đến vấn đề lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân theo Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT ngày 13 tháng 12 năm 2006 của Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm; huy động nhân lực làm công tác xét nghiệm; cần có người chỉ huy điều phối công việc tại cơ sở điều trị; xử lý phân loại bệnh, mức độ bệnh hợp lý; xử lý đúng theo đối tượng để điều trị từng trường hợp cụ thể chính xác; điều động nhân lực tại chỗ, khi có báo động đỏ thì sẽ điều nhân lực từ các nơi khác đến theo phân công của Sở Y tế; phương tiện xe cấp cứu đầy đủ; các tổ lưu động luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành, chính quyền địa phương, cơ quan báo chí để xử lý khi có vấn đề ngộ độc thực phẩm hàng loạt xảy ra; Ngay sau cuộc họp này, Sở Y tế sẽ có công văn chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, TTYT huyện, thị xã, thành phố phải xây dựng ngay phương án xử lý các vụ NĐTP hàng loạt, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các khoa, phòng liên quan, cơ chế “báo động đỏ” trong các cơ sở y tế; lưu ý kiểm soát nguồn thực phẩm đưa vào bệnh viện, nghiêm cấm đưa thực phẩm từ ngoài vào các cơ sở y tế cấp cho bệnh nhân; chú ý chuyển tuyến bệnh nhân chỉ khi bệnh nhân trong tình trạng đã ổn định, có nhân viên y tế hỗ trợ khi chuyển viện; liên lạc trước cho các cơ sở y tế tuyến trên để họ sắp xếp tiếp nhận bệnh nhân; trường hợp bệnh nhân không chuyển tuyến đi được cần liên hệ Tổ lưu động trong tỉnh như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn theo điều động của Sở Y tế để được hỗ trợ.
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải chuẩn bị chu đáo, đầy đủ. Đặc biệt, hạn chế tối đa không để NĐTP hàng loạt. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh phải kiểm tra thường xuyên, liên tục. Đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các TTYT tuyến huyện, các bệnh viện tuyến tỉnh chú trọng công tác kiểm tra, giám sát các mối nguy cơ để ngăn chặn NĐTP không xảy ra, hoặc có xảy ra thì quy mô và tác động rất nhỏ; công tác xử lý đồng bộ, thống nhất, chủ động với phương châm “4 tại chỗ” vận dụng từ bài học chống dịch Covid-19. Các cơ sở điều trị không để tử vong do NĐTP, muốn vậy thì phải tiếp nhận sớm, xử lý sớm và xử lý đúng, điều trị đúng, kịp thời. Vận dụng TeleHealth để hội chẩn, chỉ đạo công việc khi xảy ra ngộ độc hàng loạt, kết nối với bệnh viện tuyến trên để phối hợp hỗ trợ kịp thời xử lý ca nặng, không chủ quan; sẵn sàng hỗ trợ nhau, xử lý tình huống kịp thời. Đặc biệt lưu ý vấn đề xử lý khủng hoảng thông tin, tuân thủ quy chế phát ngôn, sẵn sàng cung cấp thông tin nhưng phải chính xác, không suy diễn và theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế. Trong thời gian đến, các đơn vị cần chú ý đến việc đảm bảo an toàn, phục vụ chu đáo các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh về khâu chuẩn bị trang thiết bị, máy móc điều trị, phương tiện vận chuyển, cấp cứu, xử lý tai nạn nặng, giám sát kiểm tra các mối nguy cơ phòng ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh.../.