Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2020, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, bên cạnh đó các nước ở khu vực Đông Nam Á xuất hiện nhiều dịch bệnh lưu hành như: sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), sởi… được ghi nhận ở mức cao, và công tác kiểm soát dịch SXH đến nay vẫn là một vấn đề nan giải. Vì hiện nay đối với dịch bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao và được các nước trên thế giới, trong khu vực đánh giá rất cao, đến nay Việt Nam vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 trên toàn quốc. Tuy nhiên đối với các dịch bệnh khác, các bệnh SXH, TCM, sởi, sốt rét tuy đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong thời gian qua số ca mắc SXH vẫn tăng cao ở một số địa phương, đặc biệt ở các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên xuất hiện nhiều ca bệnh bạch hầu. Trước tình hình dịch bệnh như vậy, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục tập trung, nỗ lực hơn nữa, đặc biệt Ngành Y tế tham mưu cho chính quyền các cấp ở địa phương và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Do vậy, 03 tháng còn lại năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp chúng ta cần phải có những biện pháp đối phó hết sức quyết liệt mới khống chế, giảm được sự lây lan bùng phát của dịch bệnh nhất là với thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, không để để địa phương nào xảy ra dịch chồng dịch. Vì vậy, các cấp các ngành cả người dân trong toàn quốc không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh và kiên quyết ngăn chặn nguồn lây dịch, khoanh vùng dập dịch có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tập trung thảo luận 04 vấn đề: Đánh giá kỹ lưỡng, phân tích tình hình và nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm của tầm khu vực, tỉnh, thành phố; Các biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phát hiện sớm; Các hoạt động thông tin truyền thông để nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân để truyền thông – giáo dục sức khỏe thay đổi hành vi, tập quán, lối sống để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh; Duy trì công tác TCMR để đảm bảo bao phủ toàn diện, duy trì và nâng cao công tác tiêm chủng, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng.Đề nghị, các đơn vị tích cực đề xuất các giải pháp cụ thể về công tác phòng chống dịch tại địa phương, đơn vị mình để góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, SXH, bạch hầu và các dịch bệnh khác, góp phần vào việc ổn định kinh tế - xã hội của cả nước.
Tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe một số tham luận như: Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, bạch hầu và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai; Hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bạch hầu; Cập nhật phác đồ điều trị sốt xuất huyết ở người lớn; Cập nhật phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, Cập nhật phác đồ điều trị bệnh bạch hầu; Quy trình tiêm chủng an toàn và quy định giám sát tai biến sau tiêm chủng… Hội nghị cũng được nghe nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu tại các điểm cầu và ý kiến giải đáp của các chuyên gia về phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị quán triệt thực hiện theo Chỉ thị của Thủ thướng Chính phủ triển khai “mục tiêu kép”vừa phòng chống chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội; không để dịch chồng dịch ở địa phương; tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch theo mùa (đông xuân và hè thu); phải duy trì tốt tổ phòng chống dịch tại cộng đồng “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”; tiếp tục triển khai và thực hiện các văn bản của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch và tiêm chủng mở rộng (TCMR); các Sở Y tế tăng cường công tác tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh riêng biệt cho từng bệnh, trong đó chú trọng bệnh sốt xuất huyết Dengue, bạch hầu và các dịch bệnh khác, đặc biệt quan tâm đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi mà người dân không tiếp cận được thông tin phòng chống dịch bệnh và các dịch vụ y tế khám chữa bệnh; xây dựng kế hoạch nguồn lực (kinh phí, nhân lực, vật lực) để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, bệnh; chú ý phòng chống dịch bệnh ngay từ hộ gia đình; khi triển khai công tác phòng chống dịch phải lưu ý các bệnh dịch có liên quan đến người bệnh có bệnh lý nền mãn tính. Bên cạnh đó, ngoài việc tăng cường triển khai công tác tiêm chủng mở rộng thường xuyên, các tỉnh chú ý lập kế hoạch dự án bổ sung vắc xin bại liệt, sởi – Rubella cho trẻ, định mức dây chuyền lạnh cho các địa phương trình UBND tỉnh/thành phố phê duyệt và gửi cho Dự án Tiêm chủng Quốc gia theo quy định; tăng tỷ lệ tiêm chủng nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ TCMR, thực hiện tiêm bù, tiêm vét vắc xin cho trẻ đúng thời gian, đúng liều đúng quy định; thực hiện tiêm chủng an toàn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra hiện nay. Chú trọng triển khai các hoạt động truyền thông – giáo dục sức khỏe, đăng tải các thông điệp khuyến cáo người dân phòng chống dịch bệnh bằng các biện pháp: vệ sinh môi trường, xử lý các dụng cụ có chứa nước để diệt lăng quăng/ bọ gậy, rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn, sử dụng nguồn nước sạch, thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh an toàn thực phẩm…; tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền: sử dụng tời rơi, áp phích, tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, trên thông tin đại chúng; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan để phòng chống dịch bệnh đặc biệt dịch Covid-19, sốt xuất huyết, bạch hầu…
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường công tác giám sát, phát hiện, khoanh vùng, cách ly các ca bệnh kịp thời không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, đánh giá về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiềm và TCMR từ tỉnh, huyện, xã nhằm giải quyết các vướng mắc của cơ sở và đề xuất ý kiến kịp thời lên cấp trên…