Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất của dự phòng các bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, nhờ tiêm chủng mà nhiều bệnh truyền nhiễm được thanh toán loại trừ, khống chế. Sau hơn 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) với việc đạt tỷ lệ chương trình tiêm chủng cao trên 95% Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng đã thanh toán được bệnh bại liệt, các bệnh truyền nhiễm đã được tiêm vắc xin phòng bệnh như: sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván…Trước kia dịch bệnh lưu hành, thường gây ra dịch bệnh lớn thường xuyên nhưng hiện nay đã khống chế được dịch bệnh nhờ chương trình TCMR. Tuy nhiên, hiện nay công tác tiêm chủng cho trẻ em vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Ngoài các nguyên nhân chủ quan việc quản lý vấn đề tiêm chủng, vẫn còn một số bộ phận người dân không đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của Ngành Y tế. Gần đây một số tỉnh ở Tây Nguyên xuất hiện dịch bệnh bạch hầu, sởi lưu hành. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định phê duyệt các kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung: vắc xin Uốn ván - Bạch hầu giảm liều (Td), vắc xin bại liệt (IPV) năm 2020-2021, vắc xin sởi – rubella (MR). Do đó, trên cơ sở này UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành Quyết định số 23786 ngày 14/9/2020 bổ sung kinh phí cho Sở Y tế tổ chức các chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin cho trẻ trên phạm vi toàn tỉnh. Cũng tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý các đơn vị về việc tổ chức tiêm chủng phải phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ trong tình hình mới hiện nay; chủ động rà soát các đối tượng, tránh bỏ sót đối tượng, lưu ý đối tượng trẻở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận. Đồng thời rà soát trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ, tổ chức tiêm vét cho các đối tượng bỏ tiêm, hoãn tiêm để đảm bảo tiến độ tiêm chủng, tránh trường hợp dồn trẻ chưa tiêm chủng quá nhiều trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Thực hiện quy trình tiêm chủng an toàn, hướng dẫn bà mẹ chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng, phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng...là những vấn đề rất quan trọng, đề nghị các đơn vị cần quan tâm. Do đó, việc triển khai chiến dịch tiêm chủng năm 2020 góp phần đạt chỉ tiêu kế hoạch tiêm chủng của tỉnh, đồng thời bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và bảo vệ cộng đồng an toàn trước nguy cơ dịch bệnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ toàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 63,64% (tiến độ yêu cầu: 65,67%), tỷ lệ tiêm VGB 24h sau sinh đạt 57,32% (tiến độ yêu cầu: 53,33%), tỷ lệ tiêm DPT-VGB-Hib mũi 3 cho trẻ <1 tuổi đạt 58,49% (tiến độ yêu cầu: 65,67%)…Trong 8 tháng đầu năm 2020, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng trên địa bàn tỉnh, ghi nhận 63 trường hợp phản ứng thông thường. Nhìn chung tiến độ tiêm chủng các loại vắc xin trong 8 tháng năm 2020 chưa đạt, cần tiếp tục rà soát tiêm bù cho các đối tượng chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi các loại vắc xin.
Công tác giám sát các bệnh thuộc chương trình TCMR vẫn được duy trì đều đặn; công tác tập huấn tiếp tục được triển khai cho một số cán bộ tiêm chủng mới và cập nhật các văn bản mới cho cán bộ tiêm chủng đã được tập huấn; công tác an toàn tiêm chủng được quan tâm, không để xảy ra sai sót trong tiêm chủng.
Chương trình TCMR của tỉnh còn gặp những khó khăn do tình trạng di biến động dân cư nên khó khăn cho công tác quản lý đối tượng và vận động tiêm chủng; một số địa phương cũng như nhiều cơ sở tiêm chủng vắc xin dịch vụ chưa cập nhật chính xác địa chỉ quản lý đối tượng cũng như lịch sử tiêm chủng trên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Điều này gây khó khăn rất lớn cho trạm y tế xã, phường trong việc quản lý đối tượng, quản lý mũi tiêm và chỉ định tiêm chủng tiếp theo khi đối tượng đến sử dụng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng. Việc cung ứng vắc xin và vật tư trong tiêm chủng đôi khi chưa đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã gây ảnh hưởng đến tiến độ công tác tiêm chủng.
Trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020: Tiếp tục thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin hàng tháng đạt trên 98%, tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng tiêm chủng; rà soát và tổ chức tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi; Thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận, bảo quản, cấp phát, sử dụng vắc xin tại tất cả các tuyến; Tiếp tục củng cố, nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn tiêm chủng cho cán bộ tham gia tiêm chủng. Tăng cường giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng; Tăng cường giám sát thực hành tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng. Tăng cường truyền thông về tiêm chủng, vận động cộng đồng tích cực đưa trẻ đi tiêm chủng; tư vấn, hướng dẫn các bà mẹ/người chăm sóc trẻ biết cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng nhằm phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng. Tiếp tục giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi mắc bệnh truyền nhiễm trong chương trình TCMR.
Ngoài hoạt động tiêm chủng thường xuyên, các địa phương cần chủ động rà soát và triển khai tốt các chiến dịch tiêm chủng bổ sung năm 2020: Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Uốn ván - Bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ học lớp 2 trong trường học (không kể lứa tuổi) và trẻ 7 tuổi (trẻ sinh từ 01/01/2013 đến 31/12/2013) không đi học tại cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh; Chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi tại 05 huyện, thị xã, thành phố: Quy Nhơn, An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân; Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) cho trẻ sinh ra từ ngày 01/3/2016 đến ngày 28/02/2018 chưa được tiêm vắc xin IPV trong tiêm chủng thường xuyên trên phạm vi toàn tỉnh. Tổ chức truyền thông về các chiến dịch tiêm chủng bổ sung; tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về lợi ích, mục đích, thời gian thực hiện tiêm chủng bổ sung các loại vắc xin cho trẻ để tạo sự đồng thuận và khuyến khích các bà mẹ, gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng.
Tại Hội nghị, các đại biểu còn được nghe và thảo luận các vấn đề liên quan đến tổ chức các chiến dịch tiêm chủng bổ sung trong quý IV năm 2020. Hội nghị cũng đã hướng dẫn sử dụng các loại vắc xin: Uốn ván – Bạch hầu giảm liều (Td), vắc xin bại liệt tiêm (IPV) vắc xin sởi – rubella (MR); bảo đảm an toàn trong tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng trong điều kiện có dịch COVID-19; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng; giám sát và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.
Sau Hội nghị này, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục triển khai tập huấn cho tuyến xã và triển khai Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Uốn ván – Bạch hầu giảm liều trong tháng 10/2020, sau đó tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) và vắc xin sởi – rubella (MR) trong tháng 11 – 12/2020. Việc tổ chức 3 chiến dịch tiêm chủng bổ sung trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ giúp củng cố miễn dịch cho trẻ, chủ động phòng, chống bệnh Bạch hầu đang diễn ra phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, phòng chống các bệnh trong TCMR như uốn ván, sởi, rubella, bại liệt. Củng cố và duy trì các thành quả đã đạt được của TCMR trong nhiều năm qua./.