Theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn: Khi bị chó, mèo cắn thì không được đắp, bôi bất cứ loại lá nào lên vết thương. Không chữa dại bằng thuốc Nam hoặc thuốc lá. Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày. Chó hay mèo cắn người thường được cách ly theo dõi trong 10 ngày để xem xét những dấu hiệu của bệnh dại. Việc xử trí đúng khi bị chó, mèo cắn là rất quan trọng. Đầu tiên, cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương. Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70% hoặc cồn iod, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà xát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn. Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế băng bó vết thương để cầm máu, đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.
Ngay sau bị chó, mèo cắn, cần đến các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp và cần tuân theo, không từ bỏ giữa chừng quá trình tiêm vắc xin. Hiện nay, tại các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều có thể tiếp nhận bệnh nhân đến tiêm phòng bệnh dại. Mặt khác, để đẩy lùi bệnh dại, nhất là vào mùa hè nắng nóng khiến nguy cơ bệnh dại tăng cao hơn, nên hạn chế việc nuôi chó, mèo. Nếu nuôi thì phải xích, nhốt, rọ mõm lại, tránh để chó, mèo chạy rông và phải tiêm phòng dại cho vật nuôi theo quy định, phòng tránh những hậu quả đáng tiếc.