Tại Hội thảo, các đại biểu đã được các giảng viên của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung cấp các thông tin về tình hình bệnh dại ở Việt Nam; các văn bản liên quan đến phòng chống bệnh dại: Nghị định số 05 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật, Quyết định số 1622 của Bộ Y tế, Thông tư liên tịch số 16 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bệnh dại ở động vật; bệnh dại ở người; các biện pháp phòng, chống bệnh dại; các loại vắc xin và điều trị dự phòng bệnh dại; truyền thông phòng chống bệnh dại và hướng dẫn cách phòng tránh bệnh dại cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở; hướng dẫn giám sát dựa trên các biểu mẫu…
Bệnh dại trên người là bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, số ca tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố trong cả nước. Bệnh dại nguy hiểm gây tử vong nếu đã phát bệnh, nhưng nếu có các biện pháp xử lý vết thương và tiêm vắc xin, huyết thanh kịp thời thì có thể phòng ngừa được bệnh. Tính đến tháng 8/2020, cả nước ghi nhận 59 trường hợp mắc bệnh dại tại 29 tỉnh/thành phố, tương đương so với cùng kỳ năm 2019. Trong 5 năm gần đây (2016 – 2020) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã ghi nhận 09 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại trên người. Tất cả các trường hợp tử vong do dại đều không tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Hàng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng từ 7.500 đến 9.000 người bị phơi nhiễm với bệnh dại đến tiêm phòng, trong đó tới 90% số trường hợp phơi nhiễm liên quan đến chó. Hiện nay, tình trạng chó thả rông cắn người có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có trường hợp người tử vong vì bị chó cắn gây bức xúc cho dư luận và cộng đồng.
Phát biểu chỉ đạo, Ông Nguyễn Văn Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người. Khi lên cơn dại tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả người và động vật, tuy nhiên bệnh dại có thể phòng bằng cách tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại cho cả người và động vật. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh dại. Khi nuôi thì phải xích, nhốt, rọ mõm lại, tránh để chó, mèo chạy rông và phải tiêm phòng dại cho vật nuôi theo quy định, phòng tránh những hậu quả đáng tiếc. Đồng thời, chú ý các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và hộ gia đình cần quản lý vật nuôi chặt chẽ, tiêm phòng đầy đủ; các Trung tâm y tế huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cần có đầy đủ vắc xin để phòng bệnh dại; các bệnh viện đảm bảo tiếp nhận và điều trị kịp thời…”.