Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 2 ngàn người mắc, giảm 4 vụ và tăng trên 1.400 người mắc so với năm 2023. Các vụ ngộ độc xảy ra chủ yếu ở bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất, bếp ăn trường học. Nguyên nhân các vụ ngộ độc thực phẩm ghi nhận trong năm 2024 có 11 vụ liên quan đến vi sinh vật làm 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong, chiếm 30,6% tổng số vụ, chiếm 58% tổng số mắc. Kết quả điều tra, truy xuất nguồn gốc các mẫu thực phẩm gây ngộ độc, cơ quan chức năng ghi nhận việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, thường xuyên. Một số cơ sở kinh doanh nông sản nhập nguyên liệu nông sản trôi nổi, không kiểm soát được chất lượng để cung cấp cho các đơn vị, người dân.
Tham luận tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá kết quả và chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua. Đồng thời nêu phương hướng, nhiệm vụ nhằm thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm thời gian tới như: Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát chặt với nguồn nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, đặc biệt là các sản phẩm thịt, rau, củ... Chủ động và phối hợp với các cơ quan thuộc ngành Y tế truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm khi có các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra; tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Các địa phương quan tâm công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản, đặc biệt với các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kiên quyết không để các cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm; tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.../.