Các trường hợp nhập viện điều trị trong tình trạng sốt nhiều mức độ, li bì, mệt mỏi, nôn mửa, có thể có dấu mất nước. Tùy vào nguyên nhân cụ thể, có thể có các triệu chứng đặc hiệu của bệnh như: chấm xuất huyết trong SXH, nổi ban trong TCM, tiêu chảy trong viêm dạ dày ruột... Các trường hợp bệnh nặng, một phần do tác nhân gây bệnh còn do sự chủ quan của bệnh nhân và người nhà, không đến cơ sở y tế kịp thời, điều trị ban đầu không đúng cách làm bệnh nặng hơn, không phát hiện các dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời… Do đó, các bậc cha mẹ và người nhà khi thấy người thân của mình có các dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng, nên đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn cách theo dõi và nhập viện điều trị khi cần thiết.
Theo BsCKII. Bành Quang Khải- Phó Giám đốc TTYT thành phố Quy Nhơn: Nguyên nhân các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em và người lớn gia tăng nhiều trong những tháng nắng nóng này là do: Thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em, người già do đó cơ thể mất cân bằng về nước- điện giải- toan kiềm có thể gây say nắng, say nóng, giảm sức đề kháng làm dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm; Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày ruột…; Chống nóng bằng biện pháp không thích hợp làm cơ thể mất cân bằng điều nhiệt, sử dụng thông gió trực tiếp vào người làm khô niêm mạc đường hô hấp dễ gây các bệnh lý đường hô hấp như viêm họng, viêm thanh quản - phế quản, viêm phổi… Bên cạnh đó, do nắng nóng kéo dài, lưu lượng người tập trung đông nhất là tại các khu vui chơi, giải trí, một số nơi điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sinh hoạt, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo… đó là những nguyên nhân góp phần làm gia tăng bệnh trong mùa nắng nóng này.
Để phòng các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em và người lớn trong mùa nắng nóng này, chúng ta cần hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng. Hạn chế đến nơi không khí ô nhiễm, tập trung quá đông người. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Đồng thời, nên uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, mặt bàn/ghế, sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn, đồ chơi trẻ em… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Xử lý phân và các chất thải đúng quy định…, Bs Khải lưu ý./.