Nhân Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc (18-24/11/2019): Lạm dụng thuốc kháng sinh hậu quả khôn lường

Thứ tư - 20/11/2019 08:44
Vấn đề sử dụng kháng sinh tràn lan, không kiểm soát, không theo đơn bác sĩ chỉ định đang là thực trạng từ nhiều năm nay. Tác hại lâu dài của việc sử dụng bừa bãi này là tình trạng kháng thuốc kháng sinh và gây nên các bệnh nguy hiểm khác.
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân sử dụng thuốc điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân sử dụng thuốc điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh khi kê đơn hoặc thói quen người dân tự mua thuốc điều trị khi mắc bệnh đã đẩy Việt Nam vào danh sách một trong những quốc gia có người bệnh kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Các nhà thuốc cũng sẵn lòng bán thuốc kháng sinh mà không cần đơn thuốc của bác sĩ là thực trạng đáng báo động hiện nay.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, kết quả khảo sát việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc của người bán thuốc lẫn người dân đều rất thấp. Bên cạnh đó, công tác quản lý còn lỏng lẻo, chế tài xử phạt chưa đủ răn đe... Có đến 88% số dân ở thành thị, 91% số dân ở nông thôn sử dụng kháng sinh không có đơn của bác sĩ. Theo thống kê của Bộ Y tế, còn nhiều bác sĩ kê đơn kháng sinh không phù hợp và đây là nguyên nhân chính khiến người bệnh bị kháng thuốc. Báo cáo thống kê gần đây nhất cho thấy, số người lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay đã tăng gấp 5 lần so với trước đây.
Thực trạng dễ thấy hiện nay là nhiều người do ngại đến bệnh viện nên tìm mua kháng sinh trước để uống. Thậm chí, nhiều người bị cảm cúm do virus cũng tự mua kháng sinh về dùng với mong muốn nhanh khỏi bệnh. Việc mua, bán kháng sinh tại các hiệu thuốc rất dễ dàng. Người dân có thói quen sử dụng kháng sinh như ăn cơm, hễ ốm là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống.
Hinh Bai 28
Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở buôn bán dược phẩm để tránh tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc cho người sử dụng.
Theo các chuyên gia y tế, kháng sinh là một nhóm thuốc được sử dụng trước hết để chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra. Thuốc có tác dụng diệt trực tiếp vi khuẩn hoặc làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn để tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của cơ thể giải quyết tình trạng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh đang đẩy nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn đến tình trạng vô phương cứu chữa vì không đáp ứng kháng sinh đặc hiệu. Do con người đang sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng thuốc… sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, khiến cho thuốc kém hiệu quả và mất dần tác dụng. Điều đáng nói là tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam ngày càng tăng. Nếu không có biện pháp kịp thời, trong tương lai các loại bệnh truyền nhiễm sẽ trở nên khó chữa khi không có thuốc nào điều trị hiệu quả.
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng cao đã làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm trùng huyết bị thất bại, dẫn đến tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các căn bệnh nguy hiểm như: lao, sốt rét, nhiễm trùng huyết, tả, lỵ đang bị kháng thuốc rất nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu của Trung tâm theo dõi phản ứng phụ của thuốc Đại học Y- Dược Hà Nội, ngoài kháng sinh thông thường, có tới 13 trong tổng số 30 loại kháng sinh thế hệ mới đã bị kháng do việc dùng thuốc không đúng. Trong số nạn nhân của tình trạng kháng kháng sinh, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, dẫn đến có thể bị suy tủy, rối loạn chuyển hóa hay chậm phát triển.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, thuốc Paracetamol chính là thủ phạm số 1 của bệnh suy thận, nhất là những ai quá lạm dụng loại thuốc này. Bên cạnh đó các loại thuốc kháng sinh khác như Streptomycin nếu uống liều cao cũng dễ bị điếc và suy thận. Vì thuốc Paracetamol hạ sốt khá an toàn lại được bán khắp nơi không cần toa của bác sĩ nên dễ bị nhiều người lạm dụng.
Báo cáo của Tổ chức y tế Thế giới WHO cho biết, tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể khiến 70% số ca nhiễm trùng sơ sinh không được điều trị bằng kháng sinh và 67% số ca tử vong do vi khuẩn kháng thuốc. Còn nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh về thực trạng sử dụng kháng sinh của hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các Khoa Điều trị tích cực của 19 bệnh viện lớn cho thấy, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp lên tới 74% khiến việc điều trị nhiều bệnh gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Không chỉ làm cho bệnh tật ngày càng thêm nặng, tăng tỷ lệ tử vong, kháng sinh còn làm tăng gánh nặng bệnh, cũng như tốn kém về kinh tế cho bệnh nhân và xã hội.
Hiện nay, không chỉ người dân sử dụng thuốc kháng sinh khó kiểm soát, các hiệu thuốc bán thuốc kháng sinh tùy tiện, mà còn có không ít trường hợp bác sỹ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết. Theo Tổ chức y tế Thế giới WHO, mỗi năm có khoảng 700.000 trường hợp tử vong liên quan tới kháng kháng sinh. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo tới năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh sẽ làm giảm từ 1,1 đến 3,8% GDP toàn cầu do phải bỏ tiền để ứng phó với kháng kháng sinh và rất có thể nó sẽ làm cho nhiều người bị bệnh kháng kháng sinh phải rơi vào nghèo đói.
Để tăng cường nâng cao nhận thức sử dụng thuốc hợp lý, các chuyên gia khuyến cáo, các bác sĩ lâm sàng phải "tiên phong", tránh lạm dụng kê đơn thuốc "quá tay", đồng thời khai thác kỹ hơn về tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân, cần ghi chép lại đơn thuốc xuất viện trong các hồ sơ bệnh án. Bên cạnh đó, tăng cường phát huy vai trò của hệ thống cảnh giác dược. Việc đưa ra các báo cáo về tác dụng phụ của thuốc có thể giúp các bác sĩ thận trọng hơn khi kê đơn cho bệnh nhân. Điều này làm giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cũng như bảo vệ tính mạng người bệnh.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập162
  • Hôm nay1,035
  • Tháng hiện tại99,462
  • Tổng lượt truy cập52,717,803
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây