PHÒNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Thứ năm - 14/11/2019 15:54
Bệnh đái tháo đường được gọi là kẻ giết người thầm lặng, vì nó tiến triển âm thầm và gây ra nhiều biến chứng đe dọa tính mạng. Đái tháo đường là một bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hóa đường, kèm theo nhiều rối loạn chuyển hóa khác, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Mọi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu để phòng bệnh cho bản thân
Mọi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu để phòng bệnh cho bản thân
Bệnh đái tháo đường không loại trừ một ai, trẻ, già, nam, nữ ai cũng có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ mắc cao hơn, như: trong gia đình có người ruột thịt đã bị mắc đái tháo đường; người trên 45 tuổi; người thừa cân béo phì; phụ nữ sinh con trên 4kg; người mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu; người ít vận động…
Ở mọi lứa tuổi, khi thấy các biểu hiện bất thường như: luôn thấy đói và ăn nhiều; luôn thấy khát và uống nhiều; tiểu nhiều, nước tiểu ngọt nên kiến bâu, ruồi đậu. Mặc dù ăn, uống nhiều nhưng người bệnh lại thấy sụt cân nhiều trong thời gian ngắn, người gầy yếu, mắt nhìn mờ, tê bì tay chân, có vết thương thì thấy vết thương lâu lành, có vấn đề về sinh hoạt tình dục, thường xuyên bị nhiễm nấm (viêm âm đạo)…
Khi thấy có dấu hiệu bất thường như trên, nên đến bác sĩ để được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Cần lưu ý rằng, có người thì có nhiều biểu hiện bất thường trên, nhưng có người chỉ có một, hai biểu hiện, chúng ta cần đi khám sớm để kịp thời phát hiện bệnh. Đặc biệt, những người béo phì hoặc có người thân trong gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột) bị mắc bệnh đái tháo đường thì càng nên đi khám sớm.
Hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo cần theo dõi bệnh sớm, ngay từ giai đoạn tiền đái tháo đường thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu, vì khi đã có các biểu hiện trên thì nghĩa là mình đã bị mắc bệnh từ lâu.
Hầu hết các yếu tố liên quan đến bệnh đái tháo đường đều thuộc về hành vi, do vậy chúng ta có thể phòng ngừa được nếu chúng ta biết thay đổi hành vi, từ bỏ những hành vi có hại dẫn đến nguy cơ bị bệnh đái tháo đường, thực hiện các hành vi có lợi ngăn ngừa mắc và giảm thiểu biến chứng của đái tháo đường. 
Vì là bệnh diễn tiến mãn tính nên chúng ta cần hết sức bình tĩnh để có các biện pháp phòng ngừa khoa học, hiệu quả, không chủ quan nhưng cũng không quá hoang mang.
Hinh Bai 23
Cán bộ y tế chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do đái tháo đường tại BVVĐK tỉnh Bình Định.
Thứ nhất, cần phòng tránh tình trạng thừa cân, béo phì: theo dõi dựa vào chỉ số khối lượng của cơ thể.
Thứ hai, cần gia tăng hoạt động thể lực thường xuyên, tránh lối sống tĩnh tại, cụ thể: không nên ngồi, nằm xem tivi nhiều giờ liền; tham gia chơi thể thao hơn là xem người khác chơi; cố gắng hạn chế sử dụng các phương tiện hiện đại nếu thấy không cần thiết (đi xe đạp thay cho xe máy, không sử dụng thang máy nếu thấy không cần thiết…); tập thể dục đều đặn 30-45 phút mỗi ngày. Nếu không có đủ thời gian thì cố gắng 3 lần/tuần, mỗi lần 45-60 phút…
Thứ ba, cần xây dựng thói quen ăn uống tốt, dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và gia đình, cụ thể: luôn duy trì bữa ăn gia đình có không khí vui vẻ, ấm cúng; nên tắt tivi trong khi ăn; tránh bỏ bữa, hạn chế ăn quà vặt ngoài bữa chính; giảm lượng thức ăn có nhiều chất béo và đường; ăn nhiều rau, hoa quả khác nhau; ăn chừng mực, không ăn bữa nào quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều; ăn thức ăn nguyên vẹn, gần với thiên nhiên để ít bị mất đi các thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn; tránh dùng nhiều mỡ khi chế biến thức ăn, nên chọn món luộc thay cho món chiên; hạn chế đồ uống có đường, hạn chế bia rượu; không nên ăn quá nhiều vào bữa tối.
Bệnh đái tháo đường là bệnh không lây, có liên quan rất nhiều đến dinh dưỡng, vận động, lối sống của mỗi người. Vì vậy, mọi người cần loại bỏ các hành vi nguy cơ và thực hiện các hành vi có lợi, nhất là các hành vi về hoạt động thể lực thường xuyên và chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ, hợp lý để phòng chống bệnh đái tháo đường.

Tác giả bài viết: Thùy Vy (Khoa TT-GDSK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Danh mục
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế Bình Định?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập133
  • Hôm nay1,005
  • Tháng hiện tại99,432
  • Tổng lượt truy cập52,717,773
Liên kết Web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây