Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.683.690 ca mắc mới và 5.195 ca tử vong, tăng vọt so với con số của ngày trước đó là 1.143.140 ca mắc mới và 3.906 ca tử vong. Hàn Quốc đứng đầu thế giới về số ca mắc mới, với 362.328 ca, trong khi số ca tử vong tại Mỹ trong 24 giờ qua cao nhất thế giới, với 863 ca.
Mặc dù số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại Mỹ đã giảm nhiều, chỉ còn hơn 24.000 ca/ngày, song trong làn sóng dịch Omicron, trẻ em mắc COVID-19 đang là vấn đề lo ngại tại nước này. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số trẻ em dưới 4 tuổi, kể cả trẻ sơ sinh phải nhập viện do mắc COVID-19 cao gấp 5 lần so với thời kỳ đỉnh dịch mà biến thể Delta hoành hành. Đây là nhóm người dễ bị tổn thương song lại chưa có vaccine phòng ngừa. CDC kêu gọi cần có những chiến lược để ngăn chặn nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, như đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho những người đã đủ điều kiện tiêm chủng như phụ nữ mang thai, các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ.
Theo thống kê mới nhất của Viện Nhi khoa và Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, từ đầu dịch đến nay, Mỹ có 12.752.636 ca mắc COVID-19 là trẻ em, trong đó hơn 7,7 triệu ca được ghi nhận từ đầu tháng 9 đến nay, tức trong 6 tháng rưỡi.
Trong khi dịch COVID-19 do biến thể Omicron chưa được đẩy lùi, sự xuất hiện của những biến thể mới đang trở thành nỗi lo ngại của Chính phủ nhiều nước. Bộ Y tế Brazil ngày 15/3 xác nhận có 2 ca nhiễm Deltacron. Biến thể mới này lần đầu tiên được phát hiện tại Pháp và hiện đang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo dõi. Anh cũng đã ghi nhận ca mắc biến thể này.
Còn tại châu Âu, một số nước khu vực này đang chứng kiến số ca mắc mới gia tăng sau khi nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Ngày càng có nhiều chuyên gia cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng khi các nước gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch quá sớm, nhất là khi biến thể Omicron có khả năng dễ lây nhiễm đang hoành hành. Theo Văn phòng thống kê Anh, số ca mắc mới hiện nay tại cả 4 vùng của nước này đã tăng trở lại kể từ cuối tháng 1, trong đó Scotland ghi nhận mức tăng cao kỷ lục. Cụ thể, trong 7 ngày qua, nước này có 492.103 ca mắc mới và 714 ca tử vong. Từ đầu tháng 3, Áo cũng chứng kiến làn sóng lây nhiễm gia tăng trở lại. Ngày 10/3, Áo ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục 49.432 ca trong 1 ngày kể từ đầu dịch. Tại Hà Lan, số ca nhập viện trong tuần qua tăng 14%, trong khi số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị tích cực tăng 6%.Tại Đức, số ca mắc COVID-19 mới trong 7 ngày qua cũng đã tăng lên con số kỷ lục với tỷ lệ mắc là 1.585,4/100.000 dân. Viện Robert Koch cho biết nước này có 198.888 ca mắc mới do nhiễm Omicron. Từ ngày 16/3, Đức chính thức áp dụng quy định tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe tại nước này, trừ các trường hợp có chứng nhận vừa khỏi COVID-19 và có xác nhận của bác sĩ để được miễn trừ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 16/3 cho biết, các số liệu cho thấy sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu có thể báo trước một vấn đề lớn hơn nhiều.Theo WHO, sau hơn một tháng suy giảm, số ca Covid-19 đã bắt đầu gia tăng trên khắp thế giới kể từ tuần trước. Điều này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như sự lây lan của Omicron và biến thể phụ BA.2, cùng với việc nhiều nước đã dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.“Những sự gia tăng vẫn xảy ra dù một số nước đã giảm việc xét nghiệm. Điều này có nghĩa là số ca nhiễm chúng ta đang thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
WHO cảnh báo tình hình dịch bệnh tại mỗi nước khác nhau, do đó cần cảnh giác ứng phó kịp thời với dịch bệnh khi dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt./.Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số quốc gia, một phần do "lượng lớn thông tin sai lệch", cũng lý giải cho sự gia tăng này.Hơn 11 triệu ca nhiễm mới và hơn 43.000 ca tử vong đã được ghi nhận từ ngày 7 đến 13/3. Mức tăng lớn nhất nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại các nước sẽ còn tăng, đặc biệt ở những nước sớm gỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
WHO bày tỏ lo ngại về số ca mắc mới đặc biệt tăng mạnh tại châu Á. Cơ quan này kêu gọi các nước nhanh chóng mở rộng chương trình tiêm chủng bao phủ, cũng như thận trọng cân nhắc các kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch.
Theo trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, bà Maria van Kerkhove, trong 1 tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 11 triệu ca mắc COVID-19, tăng 8% so với tuần trước đó.Bà nhấn mạnh cho đến nay Omicron là biến thể dễ lây nhiễm nhất và các yếu tố khiến dịch lây lan nhanh hiện nay là việc các nước gỡ bỏ các biện pháp y tế như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội và hạn chế đi lại tại các nước.Thêm vào đó, việc các nước chưa hoàn tất chiến dịch tiêm chủng bao phủ và cụ thể là nhóm người có nguy cơ trở nặng khi mắc COVID-19 cũng là một phần nguyên nhân khiến dịch bệnh trầm trọng hơn.
Yếu tố thứ 3 theo bà khiến số ca lây nhiễm gia tăng là những thông tin sai lệch cho rằng Omicron chỉ là biến thể nhẹ và dịch đã qua đi.Bà Maria van Kerkhove nhấn mạnh thế giới cần một hệ thống giám sát mạnh mẽ dịch COVID-19 và bất chấp tất cả những thách thức mà các nước đang phải đối mặt, cần duy trì tiến hành các xét nghiệm thường xuyên.