Tuy Phước là 1 huyện đồng bằng ở phía nam tỉnh Bình Định, gồm 11 xã, 2 thị trấn với diện tích 216,7km2, tổng số hộ 52.269, dân số 180.600 người. Tổng số bệnh nhân mắc SXHD ghi nhận đến ngày 30/6/2020: 305 ca, không có ca tử vong. Một số địa phương có chỉ số côn trùng cao như: Phước An, Phước Hưng, Phước Sơn. Trong năm phát hiện 20 ổ dịch và đã xử lý toàn bộ.
Để chủ động phòng chống dịch, Trung tâm Y tế huyện Tuy Phước đã xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống SXH năm 2020 và triển khai kế hoạch, củng cố hệ thống giám sát cho tuyến huyện, xã, thị trấn. Tham mưu UBND huyện họp Ban chỉ đạo củng cố tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công các thành viên chịu trách nhiệm chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện tốt các hoạt động phòng chống SXH tại địa phương. Giám sát bệnh nhân vượt tuyến, ghi nhận các ca bệnh phản hồi từ tuyến tỉnh về tuyến xã và phối hợp điều tra, giám sát tại cộng đồng. Phối hợp với các xã, thị trấn giám sát, điều tra các chỉ số dịch tễ và giám sát xử lý dịch, xử lý chủ động các điểm có các yếu tố nguy cơ bùng phát dịch, không để dịch lớn xảy ra. Bên cạnh đó, huyện Tuy Phước còn tăng cường công tác truyền thông phòng chống SXH 24 lần trên Đài Truyền thanh huyện; 312 lần phát sóng trên đài truyền thanh xã, thị trấn và phát thanh tuyên truyền tại Trung tâm Y tế là 48 lần, đã cấp phát 2.000 tờ rơi. Phối hợp với Phòng Y tế tham mưu Ban chỉ đạo huyện triển khai chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng trên phạm vi toàn huyện trong tháng 6/2020. Tổ chức các đợt giám sát hổ trợ cho tuyến xã.
Trong 6 tháng năm 2020, thời tiết nắng gắt kéo dài chỉ số côn trùng mặc dù có giảm so với năm 2019 nhưng vẫn còn ở mức cao, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Điều tra côn trùng có một số nơi chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng, có bệnh nhân mắc SXHD nhập viện. Dự báo trong 6 tháng tiếp theo là mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ sốt xuất huyết phát triển có thể xảy ra dịch trong thời gian đến. Chính vì vậy, huyện Tuy Phước tiếp tục củng cố và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, nhất là cấp xã, thị trấn, trực tiếp chỉ đạo triển khai, thực hiện các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp; huy động các ban, ngành, đoàn thể, xã hội hóa công tác phòng chống dịch, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Củng cố hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của các tuyến từ huyện đến xã, thôn. Nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng trong công tác giám sát, chẩn đoán, xử lý dịch của cán bộ chuyên trách huyện xã, thị trấn. Tăng cường phối hợp giữa các tuyến trong thông tin, báo cáo, điều tra xử lý dịch. Tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động, thực hiện giám sát định kỳ hàng tháng để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục thực hiện phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễn để phân tích số liệu, báo cáo nhanh, chính xác trong giám sát dịch bệnh. Chủ động triển khai chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng, chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động ở các điểm có chỉ số côn trùng tăng cao nguy cơ bùng phát dịch. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy phun, thuốc men, hóa chất, vật tư phục vụ phòng chống dịch.