Để phòng chống dịch bệnh, trong thời gian qua thành phố đã triển khai diệt bọ gậy và phun hóa chất chủ động cho 6 phường, xã (Phước Mỹ, Ngô Mây, Nhơn Bình, Quang Trung, Đống Đa, Nhơn Phú). Đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch chủ động cho 10 phường, xã (Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Nhơn Bình, Đống Đa, Quang Trung, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Phước Mỹ, Trần Quang Diệu, Ghềnh Ráng). Thực hiện Kế hoạch số 704/KH-TTYT ngày 22/5/2020 về việc hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” lần thứ 10 năm 2020; TP. Quy Nhơn triển khai diệt bọ gậy tại cộng đồng. Khống chế không cho dịch bùng phát trên diện rộng, hạn chế ca mắc mới và ca bệnh tử vong. Bên cạnh đó, thành phố Quy Nhơn thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền cho cộng đồng bằng nhiều hình thức qua các phương tiện thông tin đại chúng từ thành phố đến phường xã để nâng cao nhận thức nhân dân trong phòng chống dịch. Giám sát hàng ngày tình hình bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm gây dịch nói chung và sốt xuất huyết nói riêng. Chủ động giám sát chỉ số côn trùng trung gian truyền bệnh tại các ổ dịch cũ, vùng trọng điểm. Tăng cường công tác giám sát tình hình bệnh nhân cộng đồng. Khi có bệnh nhân tiến hành giám sát ca bệnh, giám sát côn trùng kịp thời và có hệ thống nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để kịp thời khống chế, dập tắt dịch. Huy động sự vào cuộc của chính quyền và các hội đoàn thể tham gia phòng chống dịch trên địa bàn. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, máy móc và hóa chất sẵn sàng, xử lý chủ động trên diện rộng ở các vùng nguy cơ; phát hiện, xử lý các ổ dịch, các điểm nguy cơ kịp thời.
Bác sỹ Trần Kỳ Hậu, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn cho biết: “Thói quen trữ nước sinh hoạt của người dân và ý thức người dân trong việc vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ bọ gậy tại các hộ gia đình còn chưa được chú trọng dẫn tới sự gia tăng, phát triển của véc tơ truyền bệnh. Chuẩn bị bước vào mùa mưa kết hợp với ý thức của người dân chưa loại bỏ được các ổ nước đọng, vệ sinh môi trường dẫn đến sự gia tăng, phát triển của véc tơ truyền bệnh, dịch bệnh sẽ tăng mạnh, nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng”.
Để phòng bệnh mọi người dân trong từng gia đình, tổ dân phố, xóm hưởng ứng, ủng hộ và cùng tham gia tích cực như hiện nay toàn dân đang phòng chống dịch Covid-19, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ y tế địa phương thực thi nhiệm vụ khi phun thuốc diệt muỗi để đạt hiệu quả diệt muỗi tốt nhất là không để một gia đình nào không được phun; trong mỗi gia đình không để phòng nào, vị trí nào không được phun thuốc. Có làm được như vậy thì muỗi không còn chỗ để trốn tránh và sẽ bị tiêu diệt. Để tránh muỗi đốt, phải nằm màn (cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm). Ở công sở, trường học, mọi người tránh muỗi đốt nên đi giày, có bít tất và mặc quần dài để tránh hở da vùng chân. Để tiêu diệt bọ gậy cần phải xúc rửa chum, vại, lu, quạt nước và các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt và phải có nắp nậy kín để không cho muỗi vào đẻ trứng. Nếu gia đình, công sở, trường học có dùng lọ cắm hoa, cần thay nước hàng ngày. Đối với các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, ngoài nắp đậy, có thể nuôi các loài cá có khả năng ăn được nhiều bọ gậy. Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường tốt và khơi thông cống rảnh, ao, hồ…để tiêu diệt trứng muỗi và bọ gậy./.