Các đơn vị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định, các quy chế chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh: tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh, quy định về kê đơn thuốc, kiểm soát nhiễm khuẩn,…; Xây dựng tài liệu truyền thông bao gồm: thông điệp truyền thanh, thông điệp truyền hình, phóng sự truyền hình về kháng sinh và kháng thuốc, tờ rơi, panô, standy, áp phích cho tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc; Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, đăng tải tin, bài, ảnh về phòng chống kháng thuốc trên các phương tiện truyền thông đại chúng; Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên môn tại các cơ sở y tế, các Hội chuyên môn nghề nghiệp (Hội Y học Bình Định, Hội Điều dưỡng Bình Định, Hội Y tế Công cộng, Hội Dược học Bình Định, …); Tổ chức các hoạt động: treo băng rôn, quảng cáo, tuyên truyền tại một số địa điểm công cộng và các cơ sở y tế,…
Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo:
Mỗi người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Không bao giờ yêu cầu thuốc kháng sinh nếu nhân viên y tế nói không cần sử dụng kháng sinh; Luôn luôn làm theo lời khuyên của nhân viên y tế khi sử dụng thuốc kháng sinh; Không bao giờ chia sẻ cho người khác hoặc dùng các kháng sinh còn dư thừa; Ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, chế biến thức ăn hợp vệ sinh, tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh, tiêm vắc xin đầy đủ.
Đối với các nhân viên và cơ sở y tế: Đảm bảo bàn tay, dụng cụ và môi trường cơ sở y tế sạch sẽ để ngăn ngừa nhiễm trùng; Chỉ kê đơn và cấp phát kháng sinh khi cần thiết, theo hướng dẫn chuyên môn hiện hành; Báo cáo về các vi khuẩn kháng kháng sinh cho các cơ sở tham gia giám sát kháng thuốc; Tư vấn cho bệnh nhân về sử dụng kháng sinh đúng cách, kháng kháng sinh và nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng; Hướng dẫn bệnh nhân, người dân về việc ngăn ngừa nhiễm trùng (như tiêm chủng, rửa tay, quan hệ tình dục an toàn hơn và che mũi và miệng khi hắt hơi).
Đối với các nhà thuốc: Chỉ bán thuốc kháng sinh theo đơn của bác sĩ; Cung cấp kháng sinh có chất lượng; Tư vấn cho bệnh nhân, người dân về sử dụng kháng sinh đúng cách, nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không đúng.
Đối với các cơ sở, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh cho động vật dưới sự giám sát của bác sĩ thú y; Không sử dụng thuốc kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc phòng ngừa bệnh ở những động vật khỏe mạnh; Tiêm vắc xin cho động vật để giảm nhu cầu dùng kháng sinh và sử dụng các sản phẩm thay thế kháng sinh; Thúc đẩy và áp dụng các thực hành tốt trong sản xuất và chế biến thực phẩm; Cải thiện an toàn sinh học trong các trang trại và ngăn ngừa nhiễm khuẩn thông qua cải thiện vệ sinh và bảo vệ, chăm sóc động vật./.
Tác giả bài viết: Thùy Vy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn