Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương cần quan tâm đến 2 ổ dịch lớn là quán bar Buldda và Bệnh viện Bạch Mai. Trong đó, ổ dịch Bạch Mai xác định ở 3 tâm điểm là Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Khoa Thần kinh và khu vực nhà ăn của Công ty Trường Sinh. Nguy cơ bệnh lây lan ra cộng đồng rất cao với các nhóm người nguy cơ lây nhiễm lớn gồm: bệnh nhân, người người phục vụ, chăm nom bệnh nhân, các y bác sỹ điều trị, sinh viên thực tập, nhóm nhân viên phục vụ của bệnh viện. Bộ Y tế cũng cho rằng, hiện nay, dịch ở Việt Nam đã chuyển sang cấp độ 3, do đó cần quan tâm, phát hiện các ca nhiễm từ nước ngoài về và tại cộng đồng. Khi phát hiện được thì cần triển khai các giải pháp hạn chế lây lan ra cộng đồng. Để làm được điều này vai trò của y tế cơ sở vô cùng quan trọng.
Cũng tại Hội nghị, Bộ Y tế đã trình bày một số nội dung hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam như hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19 với đối tượng cách ly: Người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định; người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn. Yêu cầu về phòng ở của người được cách ly: Tổ chức thực hiện cách ly đối với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có người được cách ly; Ban quản lý/người quản lý/chủ hộ khu chung cư, ký túc xá, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ; nhân viên y tế phối hợp với công an khu vực và các tổ chức đoàn thể ở khu phố điều tra, lập danh sách người cần cách ly để ghi nhận thông tin về địa chỉ gia đình, nơi lưu trú, số điện thoại cá nhân; tên và số điện thoại của người khi cần báo tin. Cung cấp số điện thoại của cơ quan y tế cho người được cách ly và gia đình, người quản lý nơi lưu trú; phối hợp với tổ dân phố, Ban quản lý/người quản lýnơi ở, nơi lưu trú của người được cách ly thông báo yêu cầu, mục đích, thời gian của việc cách ly cho người được cách ly và gia đình hoặc người quản lý nơi lưu trú; vận động tạo sự đồng thuận, tình nguyện thực hiện; hàng ngày đo thân nhiệt vàtheo dõi tình trạng sức khỏe người được cách ly; ghi chép kết quả giám sát vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày; báo cáo cho Trạm y tế cấp xã để báo cáo Trung tâm y tế cấp huyện; hướng dẫn Ban quản lý/người quản lý/chủ hộ, thành viên trong gia đình người được cách ly cách thức khử trùng nơi ở như: lau nền nhà, bề mặt các vật dụng, tay nắm cửa ở nơi cách ly bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử trùng; hướng dẫn người được cách ly thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi hoặc thùng đựng rác thải để gọn vào góc phòng của người được cách ly. Trong thời gian cách ly, nếu người được cách ly xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì các vật dụng trên được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm. Hết thời gian cách ly, nếu người được cách ly không xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì người cách ly thu gom các vật dụng trên và xử lý như rác thải thông thường... Đồng thời, hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19 đối với ca bệnh nghi ngờ (ca bệnh giám sát); ca bệnh xác định; người tiếp xúc gần; nội dung giám sát khi chưa ghi nhận ca bệnh xác định trên địa bàn tỉnh/thành phố; khi có ca bệnh xác định và chưa lây lan rộng trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh, thành phố; khi dịch lây lan rộng trong cộng đồng; lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm. Ngoài ra, cũng hướng dẫn về sàng lọc, phân luồng, cách ly, chẩn đoán, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn Covid-19 trong đó bao gồm 4 nội dung như đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, cách ly; phòng ngừa kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh chữa bệnh; khám bệnh chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dịch; cập nhật điểm mới trong chẩn đoán - điều trị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị y tế cơ sở cần tập trung vào việc phát hiện ca nhiễm bệnh trong cộng đồng và có biện pháp mạnh để hạn chế tối đa lây lan ra cộng đồng. Cần có các giải pháp để rà soát người ở nước ngoài và các địa phương có dịch về trên địa bàn đang ở trong cộng đồng. Lực lượng y tế cơ sở cần thành lập tổ công tác với sự phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội để “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát, lập danh sách các trường hợp cần giám sát theo quy định như theo dõi tình trạng sức khỏe, phát hiện bệnh nền đi kèm là giám sát thường xuyên các trường hợp để phát hiện kịp thời khi có dấu hiệu bất thường. Trong công tác cách ly tập trung và cách ly tại nhà, y tế cơ sở cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế…
Hội nghị được Bộ Y tế tổ chức với mục tiêu giúp các cán bộ y tế địa phương cập nhật, phân tích, đánh giá đúng thông tin dịch tễ, triệu chứng của những người liên quan đến dịch Covid-19; kịp thời có biện pháp xác minh, tiếp cận, cách ly khi cần thiết. Qua đó góp phần tích cực khống chế, kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương.
Theo báo cáo nhanh ngày 29/3/2020 của Sở Y tế tỉnh Bình Định, tổng số trường hợp bệnh Covid-19 tích lũy là 00; tổng số mắc mới Covid-19 phát hiện trong ngày là 00; tổng số có yếu tố dịch tễ đã cách ly điều trị là 32; tổng số đã đưa ra khỏi diện cách ly điều trị là 18; tổng số có yếu tố dịch tễ đang cách ly điều trị là 14; số trường hợp đươc xét nghiệm là 122 trường hợp (Âm tính 116 trường hợp, 6 trường hợp chưa có kết quả).