Điển hình trường hợp Bà Võ Thị Xuân, 85 tuổi, ở Quy Nhơn nhập viện ngày 25/5/2020 tại Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn trong tình trạng khó thở, đau ngực. Các bác sỹ của Khoa Nội tổng hợp đã chẩn đoán bệnh nhân bị suy tim, sau khi điều trị tích cực hiện người bệnh đã giảm đau ngực, giảm khó thở và huyết áp ổn định.
Bác sỹ Huỳnh Văn Trọng, Khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn cho biết: “Người cao tuổi là một trong những đối tượng bị tác động nhiều nhất do nắng nóng. Nguyên nhân là người cao tuổi đã có sẵn bệnh nền nên kém thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Khi bị ảnh hưởng trực tiếp với nắng nóng, người cao tuổi dễ bị sốc nhiệt. Còn với những người cao tuổi có sẵn bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, khi bị ảnh hưởng của nắng nóng dễ gây biến chứng. Hoặc một số người lạm dụng điều hòa cũng dễ gây các bệnh lý hô hấp, viêm phổi… Hiện tại Khoa đang điều trị cho 65 trường hợp, trong số này 30 - 40% mắc bệnh tim mạch (bệnh mạch vành, thiếu máu cục bộ, suy tim, hở van tim, hẹp van tim), hô hấp (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm đường hô hấp cấp)”.
Theo Bác sỹ Bành Quang Khải - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Quy Nhơn cho biết: “Lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện trong 2 tuần nay đều ở mức bình quân 300 - 350 người/ngày. Bệnh liên quan mùa nắng nóng tăng đều ở các khoa hệ nội, người già chủ yếu mắc bệnh lý hô hấp mãn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn, suy tim, tăng huyết áp, đột quỵ…”.
Ngày 29/5/2020, tại Khoa Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 42 bệnh nhân điều trị nội trú thì 1/3 trong số đó là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Lúc cao điểm, ở đây có gần 100 bệnh nhân điều trị nội trú. Bệnh nhân chủ yếu của Khoa là người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Bên cạnh đó, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi ngày tiếp nhận bình quân 1.200 - 1.300 bệnh nhân đến khám, điều trị. Bác sĩ Trần Thượng Dũng, Trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: “Thời tiết nắng nóng khiến lượng bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh sốt, viêm đường hô hấp tăng cao. Trong đó, người già dễ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, nội tiết và đặc biệt là tiêu hóa; còn trẻ nhỏ thường mắc các bệnh sốt, tiêu hóa…”.
Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng, người cao tuổi mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường, tim mạch... cần kiểm soát tốt bệnh; uống đủ nước dù không khát, cần có chế độ ăn uống phù hợp bổ sung nhiều rau xanh, củ, quả và tuyệt đối phải bảo đảm an toàn thực phẩm vì đường ruột người già rất dễ bị tổn thương. Đồng thời, khi nằm trong phòng có điều hòa, nên để nhiệt độ hợp lý. Để cơ thể thích nghi từ từ, trước khi ra khỏi phòng, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng gay gắt, người già cần tránh ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10h đến 17h - là thời điểm tia tử ngoại hoạt động mạnh. Đặc biệt, người cao tuổi cần duy trì thói quen khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh kịp thời.